Xét tuyển ngắn hạn

Đề án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy 2015

Đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh phù hợp với các ngành nghề, trình độ đào tạo và điều kiện thực tiễn,

ĐỀ ÁN
TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG CHÍNH QUY


I. Mục đích và nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh
1. Mục đích

- Thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh theo Quy định tại Điều 9 khoản 6, Điều 10 khoản 2, Điều 16 và Điều 50 của Điều lệ trường đại học; Điều 34 Luật Giáo dục đại học và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

- Đáp ứng các yêu cầu của Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT ngày 09/9/2014 của Bộ GD&ĐT về việc Phê duyệt phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 và Thông báo số 5151/ BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 19/9/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015;

- Đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh phù hợp với các ngành nghề, trình độ đào tạo và điều kiện thực tiễn, cũng như mục tiêu đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường;

- Đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, khu vực và cả nước. Góp phần định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

2. Nguyên tắc
- Đổi mới công tác tuyển sinh phải phù hợp với quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học, Chiến lược phát triển giáo dục, Chương trình đổi mới giáo dục đại học và các văn bản của nhà nước về giáo dục và đào tạo; Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT và Thông báo số 5151/BGDĐT-KTKĐCLGD và đặt trong sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với đặc thù các ngành đào tạo của Nhà trường. Tuyển đủ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

- Tổ chức tuyển sinh nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy định, kết quả tuyển sinh chính xác, khách quan và công bằng; không phát sinh tiêu cực.

- Phương án tuyển sinh được xây dựng trên cơ sở năng lực thực tế, các điều kiện về nguồn lực và cơ sở vật chất, thiết bị của Nhà trường.

- Gắn công tác tuyển chọn với việc đảm bảo chất lượng đào tạo trong suốt quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên.

II. Phương án tuyển sinh
1. Phương thức tuyển sinh
Trường đại học SPKT Hưng Yên tuyển sinh trong cả nước theo 02 phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả thi của thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia của năm tuyển sinh và Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ghi trong học bạ THPT hoặc tương đương.

Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, xu hướng chung của nguồn tuyển, HĐTS nhà trường sẽ xây dựng phương án tuyển sinh với các tiêu chí xét tuyển phù hợp với Luật Giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học và các quy định về công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; đồng thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

1.1. Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia của năm tuyển sinh

a. Tiêu chí xét tuyển đại học, cao đẳng  

Xét tuyển đại học

- Xét tuyển ĐH, CĐ dựa trên kết quả điểm các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia ở cụm thi do trường đại học chủ trì với điều kiện kết quả đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định sau khi đã tính điểm ưu tiên khu vực, đối tượng (nếu có).

- Hằng năm, căn cứ vào Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, HĐTS Nhà trường sẽ đưa ra tiêu chí cụ thể cho từng đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng, dự bị đại học và công khai trên các thông tin đại chúng.

b. Lịch tuyển sinh đại học, cao đẳng

Mỗi năm nhà trường xét tuyển từ 2 đến 3 đợt:

- Đợt 1: Sau khi công bố kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.

- Đợt 2 và đợt 3 sẽ được tổ chức sau đợt trước khoảng 20-25 ngày tùy theo tình hình và kết quả cụ thể của kỳ tuyển sinh.

Hằng năm vào ngày 31 tháng 10, nhà trường sẽ công bố xét tuyển trên website của nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng. Trước ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo sẽ công bố mức độ, cách thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Thông tin về tuyển sinh sẽ được cung cấp đầy đủ, chi tiết trên các phương tiện truyền thông, đài, báo, tạp chí, truyền hình, internet,...

c. Phương thức đăng ký

Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ GD&ĐT ban hành.

d. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh

Thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ GD&ĐT về việc:

- Cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng ưu tiên.

- Tuyển thẳng vào các lớp tài năng đối với thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và ưu tiên xét tuyển thí sinh đạt giải khuyến khích trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, trong hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nếu thí sinh đăng ký ngành học phù hợp với ngành của Trường tổ chức đào tạo kỹ sư tài năng.

- Sử dụng các chính sách thu hút, khích lệ thí sinh từ nguồn ngân sách của nhà trường, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… trong quá trình tổ chức tuyển sinh và quá trình đào tạo: Cấp học bổng cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt, trao học bổng từ các nhà tài trợ cho các sinh viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện,…

e. Lệ phí tuyển sinh: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Theo kết quả tốt nghiệp TCCN/TCN, CĐCN/CĐN:

Tiêu chí xét: Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học.

Điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển:

+ Có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở các năm trước năm tuyển sinh.

+ Xếp loại kết quả rèn luyện từ Khá trở lên.

1.2 Xét tuyển theo kết quả học tập THPT hoặc tương đương:

a. Tiêu chí xét tuyển

Thí sinh phải đồng thời đảm bảo các tiêu chí sau:

- Có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

- Ngưỡng điểm xét tuyển: Điểm trung bình chung của 5 môn học năm lớp 12 (Toán, Lý, Hóa, Sinh học, Ngoại ngữ) đạt từ 6.0 trở lên đối với tuyển sinh Đại học và đạt từ 5.5 trở lên đối với tuyển sinh Cao đẳng.

- Hạnh kiểm năm lớp 12 xếp loại Khá trở lên.

Điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành của Bộ GD&ĐT và được cộng cho các thí sinh đạt ngưỡng xét tuyển.

Đối với tuyển sinh đại học, sau khi chấp nhận hồ sơ xét tuyển, Nhà trường sẽ kiểm tra hai môn Toán và tiếng Anh để phân loại, xếp lớp học cho các sinh viên có lực học tương đối đồng đều, đồng thời xét vào đại học hoặc dự bị đại học.

Đối với thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng từ 36 tháng trở lên sẽ được Nhà trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh liên thông theo nội dung quy định tại Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 của Bộ GD&ĐT.

b. Lịch tuyển sinh

Mỗi năm nhà trường xét tuyển từ 2 đến 3 đợt:

- Đợt 1: Từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 20 tháng 6 hằng năm.

- Đợt 2 và đợt 3 sẽ được tổ chức sau đợt trước khoảng 20-25 ngày.

Hằng năm vào ngày 31 tháng 10, nhà trường sẽ công bố xét tuyển trên website của nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng.

c. Phương thức đăng ký

- Đăng ký tại các cơ sở đào tạo của Trường hoặc đăng ký trực tuyến trên website http://www.xettuyendaihoc.edu.vn

- Hồ sơ đăng ký xét tuyển bao gồm:

-  Bản sao học bạ THPT hoặc tương đương;

- Bản sao bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương;

- Phiếu đăng ký xét tuyển (có mẫu trong phụ lục kèm theo);

- Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có);

- 02 phong bì có dán tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

d. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh

Thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc:

- Cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng ưu tiên.

- Sử dụng các chính sách thu hút, khích lệ thí sinh từ nguồn ngân sách của nhà trường, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… trong quá trình tổ chức tuyển sinh và quá trình đào tạo: Cấp học bổng cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt, trao học bổng từ các nhà tài trợ cho các sinh viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện,…

e. Lệ phí tuyển sinh: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

* Xét tuyển vào lớp sinh viên tài năng giành riêng cho trình độ đại học:

Căn cứ vào nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trẻ có phẩm chất, trí tuệ và kiến thức khoa học kỹ thuật tốt cho nhà trường và xã hội, mỗi năm học sẽ tuyển 01 lớp sinh viên tài năng với sỹ số 20÷25 sinh viên.

Xét theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia với điểm bình quân các môn thi không dưới 8.0 và không có môn thi dưới 7.0.

Các thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ được ưu tiên chọn đặc cách vào lớp sinh viên tài năng.

Sinh viên tài năng không phải đóng học phí và được hưởng học bổng khuyến khích học tập nếu đạt các yêu cầu của quá trình đào tạo.

* Xét tuyển vào học dự bị đại học:

Trường đã có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo dự bị 01 năm cho hệ cử tuyển. Đã có nhiều sinh viên trong diện cử tuyển ra trường và trở lại địa phương công tác (nơi cử đi học tập) đáp ứng tốt những công việc được giao.

Căn cứ vào nhu cầu xã hội và nguồn tuyển sinh, Nhà trường sẽ tuyển chọn vào dự bị đại học với tỷ lệ 15-20% chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm trên cơ sở có đơn tự nguyện của thí sinh, có ý kiến của gia đình và tiêu chí xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, hay kết quả học tập, rèn luyện hoặc hạnh kiểm của từng đối tượng thí sinh đăng ký xét tuyển. Chỉ tiêu này không nằm trong chỉ tiêu năm tuyển dự bị mà nằm trong chỉ tiêu của năm học sinh được xét duyệt vào đại học chính quy. Nhưng đảm bảo tiêu chí ≤ 25 SV/GV.

- Đối tượng: Học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia không đạt điểm trúng tuyển do HĐTS Nhà trường quy định hàng năm nhưng thấp hơn không quá 1.0 điểm đồng thời đạt ngưỡng quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương có điểm trung bình chung của 5 môn học năm lớp 12 (Toán, Lý, Hóa, Sinh học, Ngoại ngữ) đạt từ 6.0 trở lên nhưng không trúng tuyển vào đại học theo các tiêu chí xét tuyển tại mục 1.2 của Đề án này.

- Thời gian dự bị đại học: 1 năm (2 học kỳ).

- Các môn học: Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh. Môn Giáo dục thể chất để rèn luyện nâng cao thể lực (không tính vào kết quả học tập).

- Học phí: Tương đương học phí của sinh viên đại học.

- Được giới thiệu các chuyên đề về định hướng nghề nghiệp trong quá trình học tập.

Sau một năm, căn cứ vào kết quả học tập Nhà trường xét chuyển chính thức vào học đại học theo ngành phù hợp với nhu cầu và lực học của người học. Điều này là một trong các yếu tố nâng cao chất lượng đầu vào cho năm học chính tiếp theo. Nhà trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo và có quy định cụ thể áp dụng cho học sinh dự bị đại học.

2. Phân tích ưu, nhược điểm của phương án tuyển sinh
      2.1. Sự phù hợp của phương thức tuyển sinh với đặc thù các ngành đào tạo của trường và với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

- Giảm áp lực tuyển sinh cho nhà trường cũng như thí sinh, xã hội, địa phương,...

+ Lựa chọn được các thí sinh với những yếu tố tiềm năng của hoạt động nghề nghiệp dựa trên kết quả giáo dục phổ thông thông qua việc nâng trọng số của các môn thi có tính dấu hiệu tích cực của ngành đào tạo.

- Công nhận kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, kết quả học tập và rèn luyện của các thí sinh đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp hoặc các trường đào tạo nghề, kết quả học tập và hạnh kiểm của thí sinh tốt nghiệp THPT và nhu cầu đăng ký xét tuyển vào ngành học của thí sinh chọn lựa.

      2.2. Các yếu tố đảm bảo chất lượng, sự công bằng của phương thức tuyển sinh đề xuất.

- Tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong môi trường đảm bảo về đội ngũ cán bộ giảng dạy, trang thiết bị, cơ sở vật chất và học lực đồng đều theo lớp.

- Công bằng vùng miền, đối tượng ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT.

- Các thí sinh có thành tích trong các cuộc thi được ưu tiên theo chính sách phát triển nhân tài xã hội.

- Quy tắc xét trúng tuyển: Điểm từ cao xuống thấp kết quả của kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập của thí sinh đăng ký xét tuyển.

- Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian và tiêu chí xét tuyển, danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, thời hạn xét tuyển, kết quả xét tuyển, công bố danh sách thí sinh trúng tuyển, thời hạn nhập học, hồ sơ nhập học và các điều kiện đảm bảo cho học tập.

2.3. Thuận lợi, khó khăn của Nhà trường, học sinh khi trường triển khai phương án tuyển sinh

Thuận lợi:

- Giảm thiểu chi phí của xã hội, gia đình thí sinh và nhà trường.

- Nhà trường được chủ động xét tuyển.

- Giảm áp lực thi cử cho thí sinh.

Khó khăn:

- Khi xét tuyển không dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, việc đánh giá khách quan kết quả học tập của thí sinh trong quá trình học lớp 12 ở THPT gặp rất nhiều khó khăn: Về mặt khách quan là do sự khác nhau về vùng miền, về trường chuyên, lớp chọn... tạo ra sự chênh lệch lớn năng lực của người học; Về mặt chủ quan, do bệnh thành tích của các cán bộ quản lý nhà trường, sự đánh giá chưa khách quan của CBGD về kết quả học tập của người học... Ngoài ra, việc xác minh kết quả học tập dựa trên học bạ của thí sinh có thể sẽ nảy sinh tiêu cực từ phía bên ngoài Nhà trường.

- Cung cấp thông tin hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề đào tạo của Nhà trường đến các thí sinh gặp khó khăn vì bị gây nhiễu bởi những quảng cáo tuyển sinh chồng chéo của hằng trăm trường ĐH, CĐ trong cả nước.

2.4. Các hiện tượng tiêu cực có thể phát sinh khi triển khai phương án tuyển sinh và các giải pháp chống tiêu cực

Nguồn gốc của sự tiêu cực trong thi cử chính là sự không công bằng trong khâu đánh giá và công nhận kết quả; sự mập mờ, gian lận trong các hồ sơ liên quan đến tiêu chí xét tuyển. Chính vì vậy, việc xét tuyển vừa dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa xét tuyển dựa trên các kết quả học tập và rèn luyện của thí sinh đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, các trường nghề và các trường THPT cung cấp.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt cần có sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với các Trường trong ngành; giữa Nhà trường xét tuyển và Trường/Sở Giáo dục và Đào tạo có thí sinh đăng ký xét tuyển; sau này cần có hệ thống quản lý thống nhất trong toàn quốc để giúp cho việc xác định kết quả học tập, rèn luyện thực của người học.

Nhà trường sẽ đưa ra những giải pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực có thể nảy sinh trong khâu xác định đúng hồ sơ xét tuyển, tập hợp và thống kê báo cáo, xử lý đúng dữ liệu về danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển...(Phiếu báo điểm từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, học bạ của thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, bằng và bảng điểm của thí sinh tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp hoặc các trường nghề).

III. Tổ chức thực hiện

1. Nội dung công việc cần thực hiện trong quy trình tổ chức tuyển sinh tương ứng với phương thức tuyển sinh lựa chọn
Nhà trường huy động tối đa các nguồn lực, cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh trong những năm qua; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tốt công tác tuyển sinh theo phương thức đã đề xuất. Cụ thể:

- Thành lập Hội đồng tuyển sinh và các bộ phận giúp việc theo các quy định, quy chế tuyển sinh.

- Ban hành các văn bản, biểu mẫu phục vụ công tác xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập của thí sinh và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, Website của Nhà trường.

- Phối hợp với các đơn vị, ban, ngành, địa phương, cơ quan báo chí, đài truyền hình tổ chức công tác tư vấn tuyển sinh.

- Tổ chức thu nhận hồ sơ, kiểm tra tính chính xác của hồ sơ theo quy định.

- Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát: Phối hợp với các cơ quan bảo vệ an ninh nội bộ; sự chỉ đạo của Thanh tra Bộ GD&ĐT nhằm tổ chức tốt việc giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh.

- Công tác tài chính: Lập dự toán chi tiết và cấp kinh phí đảm bảo để thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trước, trong và sau khi kết thúc tuyển sinh theo quy định.

2. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện công tác tuyển sinh
Nhà trường thành lập Ban thanh tra tuyển sinh gồm những cán bộ có năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh.

Ban thanh tra phải kịp thời phát hiện, báo cáo những sai sót, vi phạm và đề xuất các hình thức xử lý với Hội đồng tuyển sinh trường theo đúng quy định hiện hành.

3. Công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh riêng của trường sẽ được Ban Thanh tra xem xét và xử lý kịp thời theo đúng thẩm quyền (theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Chủ động phòng ngừa tiêu cực, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm, thu thập thông tin chính xác giúp cơ quan quản lý, chỉ đạo kỳ tuyển sinh kịp thời đề ra giải pháp khắc phục khó khăn, ứng phó với tình huống bất thường, đảm bảo tuyển sinh riêng diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kiểm tra xem xét tình hình thực tế công tác chuẩn bị, thông báo kết quả xét tuyển. Tổ chức tốt công tác giám sát việc thực hiện tuyển sinh riêng theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành.

Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền, Ban Thanh tra lập báo cáo trình Chủ tịch HĐTS để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền, quản lý nhà nước xem xét xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trước, trong và sau khi kết thúc tuyển sinh theo quy định
Nhà trường thực hiện chế độ báo cáo kết quả tuyển sinh hằng năm về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định. Kết thúc kỳ tuyển sinh, nhà trường tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ tuyển sinh và báo cáo, đề xuất kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

5. Sự phối hợp và hỗ trợ của các ban, ngành địa phương trong các khâu của công tác tuyển sinh
Phối hợp với các đơn vị, ban ngành địa phương, cơ quan báo chí, đài truyền hình tổ chức công tác tư vấn tuyển sinh, quá trình nhận hồ sơ, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập của thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển vào trường.

Tác giả: http://thilienthong.edu.vn/ ; xuất bản: 06/05/2015 02:14
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....