Du học Nhật Bản

"Không phải ta thừa thầy thiếu thợ, mà thiếu cả thầy lẫn thợ"

Chuyên gia giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng thực trạng ở Việt Nam đang thiếu cả thầy, thiếu cả thợ. Bốn đại học chủ chốt ở Đông Á bàn đào tạo nhân lực xanh Chất lượng nhân lực Việt Nam thấp nhất khu vực Chuyên gia Trần Đức Cảnh đưa ra giải pháp cho nguồn nhân lực Việt Nam Rất nhiều chuyên gia giáo dục, lao động khi được hỏi đều tỏ ra vô cùng lo lắng về chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại Việt Nam hiện nay.

Phóng viên đã cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Đường- Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực của Chính phủ về vấn đề này.

- Giáo sư có nhận xét gì về xu thế các trường trung cấp đua nhau xin nâng cấp lên cao đẳng, trường cao đẳng nâng cấp lên đại học?

GS Nguyễn Minh Đường (Ảnh: Phạm Thịnh)

Thời gian vừa qua đúng là có tình trạng này, vì các lý do sau đây: Trước hết là do tâm lý của lãnh đạo các trường muốn được nâng cấp để có vị thế cao hơn, “oai hơn”, một mặt khác có thể đào tạo đa cấp, tuyển sinh được nhiều đối tượng người học hơn.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng muốn địa phương mình có nhiều trường đại học, cao đẳng để không thua kém các tỉnh khác.

Một mặt khác, cũng cần thấy rằng với tâm lý chuộng bằng cấp, phụ huynh và học sinh cũng đều muốn có một tấm bằng cao hơn mà ít quan tâm đến năng lực của mình cũng như khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Việc nâng cấp ồ ạt các trường lên các cấp cao hơn như thời gian vừa qua sẽ mang đến những hậu quả như thế nào, thưa ông?

Việc nâng cấp hàng loạt các trường như trong thời gian vừa qua đã mang lại hậu quả là chất lượng đào tạo giảm sút do đầu tư bị phân tán trong khi các nguồn lực rất hạn hẹp, đặc biệt là đội ngũ giáo viên sẽ càng thiếu và yếu.

Một mặt khác nó làm phá vỡ quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo và quy hoạch đào tạo dẫn đến việc đội ngũ nhân lực được đào tạo ngày càng mất cân đối.

Điều này dẫn đến nguy cơ là chúng ta sẽ không đào tạo được một đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể nói, thực trạng ở Việt Nam thiếu cả thầy, thiếu cả thợ và thừa cả thầy, thừa cả thợ.

- Nghĩa là sao, thưa Giáo sư?

Chúng ta đang thiếu cả thầy và thiếu cả thợ. Đó là việc thiếu những người có năng lực và thiếu đối với một số ngành nghề mà các trường ít đào tạo. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang rất cần lao động nhưng không tuyển được người và chúng ta đang phải nhập khẩu hàng vạn lao động người nước ngoài từ công nhân đến kỹ sư.

Thực tế này có thể dễ dàng nhìn thấy ở các dự án lớn vừa qua ở Hà Tĩnh, Bình Dương,... khi xảy ra một số sự việc, chúng ta mới vỡ lẽ là có hàng chục nghìn lao động nước ngoài đang làm trong các dự án ở Việt Nam mà công nhân Việt Nam hoàn toàn có khả năng đảm nhận nếu được đào tạo đúng ngành nghề và đào tạo có chất lượng.

Chúng ta cũng đang thừa cả thầy, thừa cả thợ, thừa những người được đào tạo với chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, của các doanh nghiệp và thừa những người mà các ngành nghề họ được đào tạo đã bão hòa, không có “chỗ trống” cho người tìm việc.

Ví dụ các ngành công nghiệp đang cần phát triển mạnh trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước, nhưng đào tạo tốn kém nên ít trường đào tạo; trong khi đó, một số ngành đã bão hòa nhân lực trong nhiều năm qua như quản trị kinh doanh, tài chính, luật, công nghệ thông tin thì đào tạo ít tốn kém, dễ đầu tư nên nhiều trường vẫn tiếp tục đào tạo.

Việt Nam đang thiếu cả thầy lẫn thợ
- Thế tại sao trong cuộc thi tay nghề Asean, đội tuyển Việt Nam đều giành giải cao?

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang rất cần lao động nhưng không tuyển được người và chúng ta đang phải nhập khẩu hàng vạn lao động người nước ngoài từ công nhân đến kỹ sư ‘Không phải ta thừa thầy thiếu thợ, mà thiếu cả thầy lẫn thợ’
GS Nguyễn Minh Đường
Nói về luyện thi thì Việt Nam thuộc loại giỏi nhất thế giới. Chúng ta chú trọng luyện tập cho vài chục công nhân, luyện hàng tháng chỉ để làm một sản phẩm nào đó (theo đề thi) đến mức thật thành thạo để đi thi do vậy đa số các em giành được giải cao.

Nhiều em thi được giải cao là điều đáng mừng, tuy nhiên, điều quan trọng hơn và khó khăn hơn nhiều là phải đào tạo được một đội ngũ nhân lực đông đảo có chất lượng mới là điều căn bản.

Hiện nay do chất lượng đào tạo của chúng ta thấp nên năng suất lao động chung của người Việt Nam lại thua kém rất xa các nước trong khu vực và trên thế giới dẫn đến hậu quả là chúng ta không đủ năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

Các trường đang đào tạo theo chương trình khung cứng nhắc, chậm được đổi mới nên chưa bám sát được yêu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học nói chung còn lạc hậu và thiếu thốn, đặc biệt là đội ngũ giáo viên còn rất thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo theo năng lực tích hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Hiện nay cả nước có 5 trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đào tạo giảng viên dạy nghề có trình độ đại học cho các trường cao đẳng nghề. Tuy nhiên, các trường này trong hàng chục năm qua chỉ đạo tạo được GV cho khoảng 35 nghề nên đã bão hòa, trong khi đó các trường cao đẳng nghề đang đào tạo hơn 300 nghề, do vậy, đại bộ phận các nghề không có GV được đào tạo đúng nghề để dạy học có chất lượng.

Tóm lại, trong nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng vừa thiếu vừa thừa giáo viên dạy nghề nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết được nên chất lượng đào tạo nghề thấp.

Cung và cầu nhân lực không khớp với nhau dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực như đã nói ở trên và gây ra lãng phí lớn cho nhà nước cũng như cho xã hội.

- Nhiều trường dạy nghề được đầu tư rất khang trang nhưng vẫn không có sinh viên theo học. Điều này có thể giải thích được không, thưa Giáo sư?

Có thể do các lý do sau đây: thứ nhất là những trường đó đào tạo những nghề đã bão hòa, học xong không tìm được việc làm.

Thứ 2 là do tâm lý xã hội trọng thầy khinh thợ và do chúng ta hướng nghiệp cho học sinh phổ thông chưa tốt nên các em chỉ muốn học đại học mà không muốn học nghề.

Thứ 3 là chính sách chưa thỏa đáng, lương của công nhân thấp đặc biệt là đối với các nghề nặng nhọc nên không hấp dẫn được học sinh vào học nghề. Việc cho mở ồ ạt các trường đại học cũng là một nguyên nhân khiến các trường nghề không hấp dẫn được học sinh.


Đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động
- Hiện tượng thạc sỹ, cử nhân cũng quay lại học nghề được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây có nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Thực tế hiện nay nhiều cử nhân, thạc sỹ ra trường không tìm được việc làm nên đã quay lại học nghề. Đây là cách nhanh nhất để những cử nhân này có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm để kiếm sống.

- Dường như ở ta vẫn đang phổ biến tình trạng đào tạo theo cái mình có, mình thích chứ không phải theo quy luật thị trường như nó vốn được quy định?

Đào tạo nhân lực trong cơ chế thị trường phải tuân thủ quy luật cung- cầu. Khi đã xác định được nhu cầu thì hệ thống đào tạo nói chung và các trường nói riêng phải xây dựng quy hoạch đào tạo và tuyển sinh hàng năm cho phù hợp với nhu cầu của bên cầu, không đào tạo cái mà mình có như hiện nay.

Ở hầu hết các nước, mối quan hệ giữa bên cung và bên cầu nhân lực rất khăng khít nên đào tạo nhân lực rất có hiệu quả.

Ở Việt Nam, tôi thấy cũng đã có một số trường như trường nghề thuộc Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) đào tạo khá hiệu quả. Họ biết rõ khách hàng của mình là ai, họ thiết lập được mối quan hệ rất chặt chẽ với các khách hàng, biết được khách hàng cần gì.

ĐH Ngoại thương là một trong những trường đầu tiên được giao thí điểm tự chủ
- Để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường nghề, trường cao đẳng, đại học, Chính phủ đã có chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường. Giáo sư có cho rằng đây là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay?

Tôi cho rằng đây là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn. Việc giao quyền tự chủ sẽ giúp các trường có thể năng động và sáng tạo hơn để có thể thích ứng nhanh hơn với những diễn biến của thị trường lao động.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh việc tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm xã hội, đó là việc phải công khai, minh bạch giải trình về chất lượng đầu ra, về quá trình đào tạo, về chi phí đào tạo và điều quan trọng là trách nhiệm đối với việc làm của học sinh, sinh viên tốt nghiệp của trường mình.

Như vậy xã hội mới có căn cứ để giám sát. Phụ huynh, học sinh mới có lòng tin đối với trường và trường mới có thể trở thành địa chỉ đáng tin cậy của xã hội để phát triển.

- Ý ông là thị trường sẽ quyết định số phận các cơ sở đào tạo?

Nếu các trường không tự chủ và thay đổi để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo thì thì sớm muộn cũng bị đào thải theo cơ chế thị trường, sẽ tự “chết” do không có người học.

Nhất là sau năm 2015, các nước trong khu vực và các nước thành viên của WTO có thể mở các cơ sở đào tạo ở nước ta một cách bình đẳng với các trường trong nước.

Lúc đó các trường yếu kém của chúng ta sẽ mất năng lực cạnh tranh và sẽ thất bại ngay trên đất nhà. Cạnh tranh lành mạnh sẽ là động lực để các trường phải phấn đấu vươn lên để phát triển.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Phạm Thịnh / Vtc.vn

Tác giả: ; xuất bản: 20/01/2015 06:55
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....