Trung cấp

'Trường nghề không tuyển sinh được do chất lượng hạn chế'

Trao đổi với phóng viên, Tổng cục phó Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm cho rằng thị trường lao động luôn luôn thay đổi, cơ sở đào tạo nghề không thể "ngồi một chỗ" chờ nguồn lực đến mà phải vận động theo nhu cầu của thị trường.

- Hàng loạt trường nghề khang trang, nhưng vắng học sinh, có hiệu trưởng xin từ chức vì không tuyển được người học, ông có thể lý giải về tình trạng này?

Tổng cục phó Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm. Ảnh: Hoàng Phương.
- Hiện nay, Bộ Lao động quản lý 171 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề trên cả nước. Việc trường nghề vắng học sinh cần xét trên nhiều góc độ. Có nhiều trường không tuyển sinh được là điều bình thường. Trong quá trình vận động của thị trường, nhiều ngành nghề trước đây rất "hot" nhưng hiện nay lại bị hạn chế hoặc vắng người học. Thị trường luôn luôn thay đổi, cơ sở đào tạo nghề không thể "ngồi một chỗ" chờ nguồn lực đến mà phải vận động theo nhu cầu của thị trường. 

Trường nghề có tuyển được người học hay không cũng còn phụ thuộc vào năng lực người đứng đầu. Hiệu trưởng phải có năng lực của giám đốc doanh nghiệp. Bởi trường nghề có 3 chức năng đào tạo, chuyển giao công nghệ và gắn với sản xuất. Nếu không có sự chuyển đổi thích hợp thì việc gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều tất yếu.

Nếu thay đổi mà trường không tuyển sinh được thì tôi khẳng định là do chất lượng đào tạo hạn chế. Điều này thể hiện mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động có vấn đề. Trường giải quyết tốt mối quan hệ giữa cung và cầu trong đào tạo thì sẽ là bến đỗ thích hợp cho học sinh.

- Ông đánh giá thế nào về năng lực của giáo viên dạy nghề hiện nay?

- Tôi cho rằng cơ bản giáo viên dạy nghề hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Nguồn giáo viên nghề hiện nay chủ yếu đến từ 35 cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề trên cả nước, trong đó có 5 trường đại học chủ chốt. Ngoài ra, có những khoa sư phạm nghề ở các trường khác, hoặc là những kỹ sư, nghệ nhân trong thực tiễn và có cả giáo viên từ nguồn đào tạo nước ngoài. Tuy nhiên, công nghệ mới đang thay đổi, giáo viên cũng cần thay đổi cho phù hợp, như vậy mới đào tạo được học viên có năng lực thực sự.

- Ngoài những lý do chủ quan từ trường nghề, theo ông còn những lý do khách quan nào?

- Tâm lý bằng cấp của người Việt Nam rất nặng nề. Ai cũng thích đi học đại học chứ không thích học nghề. Gia đình tự hào vì nuôi 3-4 đứa con đi học đại học chứ không tự hào vì nuôi con đi học nghề. Nhiều người thi 3-4 lần mới vào được đại học, học xong chưa chắc đã phát huy được khi làm việc. Tôi không cổ vũ việc bỏ đại học đi học nghề, nhưng nếu năng lực hạn chế thì nên đi học nghề, thời gian ngắn, chi phí rẻ, lại dễ kiếm việc làm. Nước ngoài họ gắn việc học với nhu cầu thực tế, còn nước mình thì không như vậy. Chúng ta phải dần thay đổi tâm lý này đi.

Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề chưa được tốt cũng gây khó khăn cho việc tuyển sinh. Thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 2,5-3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, tỷ lệ này rất thấp so với mục tiêu đã đề ra của Bộ Chính trị là "…năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề...". 

Ngoài ra, hệ thống các trường dân lập, đại học mở tràn lan hiện nay đã vét gần hết học sinh, không còn người đi học nghề nữa. 

Thí sinh của Việt Nam làm bài thi ở lĩnh vực lắp ráp, sửa chữa ôtô trong hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10. Ảnh: Quý Đoàn.
- Để chiêu sinh, rất nhiều trường nghề đã đến tận các trường phổ thông tư vấn, rồi ra chỉ tiêu giáo viên phải vận động được tối thiểu 2-3 học viên. Ông nghĩ sao về cách làm này? 

- Nhiều doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần lao động đã qua đào tạo nghề. Đó chính là bức tranh thực của thị trường lao động để chúng ta căn cứ làm công tác hướng nghiệp. Theo tôi, công tác hướng nghiệp trong các nhà trường phổ thông hiện nay chưa ổn, còn nặng nề 2 điều: thứ nhất là định hướng muốn vào đại học của bố mẹ đối với con cái; hai là việc hướng nghiệp trong trường học hạn chế hoặc không cung cấp nhu cầu thực cho học sinh.

Cần phải phải thay đổi cách hướng nghiệp, đó là cung cấp một bức tranh trung thực về nhu cầu của thị trường lao động hiện nay để học sinh căn cứ vào năng lực bản thân và thực tế của thị trường để lựa chọn. Nước ngoài họ làm tốt điều này bởi họ gắn liền nhu cầu học với thực tế cuộc sống. Người làm công tác hướng nghiệp phải có kỹ năng và trung thực, không tư vấn theo phong trào.

- Trước hàng loạt trường nghề hoạt động cầm chừng, Bộ Lao động có định hướng xử lý thế nào?

- Bộ Lao động đang hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên để tổng hợp, lập mạng lưới giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý để trình Thủ tướng phê duyệt.

Việc rà soát hệ thống các trường dạy nghề hiện nay vẫn phải làm, nhưng quan trọng là các trường phải tạo ra năng lực phát triển cũng như tạo dựng thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp thường căn cứ vào nơi đào tạo để tuyển dụng lao động. Nếu người học không thấy được tương lai, mục tiêu, cơ hội tìm kiếm việc làm của họ thì tất nhiên họ sẽ không vào trường.

Quốc hội mới thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, tạo ra những tính tích cực mới. Luật ra đời gần như bố cục lại hệ thống giáo dục nghề, các bậc đào tạo rõ nét hơn. Khi Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, chúng tôi kỳ vọng việc tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp sẽ thuận lợi hơn.

Tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 14/1, ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, các trường nghề hoạt động cầm chừng, không tuyển sinh được chủ yếu là trường trung cấp, cơ sở dạy nghề. Để giải quyết vấn đề này thì phải tái cơ cấu các trường. "Học tập tinh thần của các nước phát triển, chúng ta cần tái cơ cấu hệ thống các trường nghề. Trường yếu không chiêu sinh được thì phải nghĩ đến chuyện sáp nhập với nhau thành một trường khỏe và nâng cao chất lượng thì mới có học sinh", ông Lân nói. 

Hoàng Phương thực hiện

Theo VNexpress

 

 

 

Tác giả: ; xuất bản: 18/01/2015 11:11
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....