Xét tuyển Cao đẳng

Bộ Giáo dục tìm ứng viên viết chương trình, sách giáo khoa

Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đến các trường đại học lớn và ký kết văn bản hợp tác với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam,

đề nghị giới thiệu ứng viên đủ khả năng viết chương trình, sách giáo khoa. Từ năm 2018, học sinh bắt đầu sử dụng sách giáo khoa mới

TS Nguyễn Anh Dũng, thành viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay sau khi Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết, Bộ đã chuẩn bị những công việc để thực hiện đề án, thử nghiệm một số phương pháp như mô hình trường học mới VNEN, bàn tay nặn bột, tích hợp liên môn. 

TS Nguyễn Anh Dũng cho biết Bộ Giáo dục đã gửi công văn đến các trường đại học lớn đề nghị giới thiệu ứng viên viết chương trình, sách giáo khoa. Ảnh: HT.
Ngày 9/12, Bộ Giáo dục đã họp đưa ra tiêu chí chọn lựa tác giả viết sách giáo khoa, đảm bảo có người trẻ, ít kinh nghiệm nhưng có điều kiện phát triển, kết hợp với người từng làm chương trình nhưng có thể tuổi cao và giáo viên phổ thông.

Ông Dũng cho biết, hiện Bộ Giáo dục đã gửi công văn đến các trường đại học lớn như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM), các trường ĐH Sư phạm trọng điểm, trường sư phạm nhạc họa… đề nghị giới thiệu tác giả có tiềm năng để viết chương trình, sách giáo khoa.

Ngoài ra, Bộ đã ký kết văn bản hợp tác với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam từ nay đến năm 2020 về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học kỹ thuật, giới thiệu các tác giả có thể tham gia viết sách giáo khoa. Bộ Giáo dục cũng đã xin ý kiến Hội cựu giáo chức về các chính sách, đổi mới giáo dục.

"Việc tìm người viết chương trình, sách giáo khoa không hề dễ dàng. Lần trước Bộ cũng gửi công văn xuống cơ quan có tiềm năng để ứng cử người. Sau đó một Hội đồng có uy tín được chọn lựa. Tuy nhiên, nhược điểm của những lần trước là chúng ta quá coi trọng các nhà khoa học cơ bản, số lượng nhiều nên chương trình mang nặng tính hàn lâm. Việc viết sách có thêm các nhà khoa học sư phạm nhưng không có giáo viên phổ thông nên sách giáo khoa có hạn chế", ông Dũng nói.

Để khắc phục những tồn tại đó, lần này sẽ có tổng chủ biên chịu trách nhiệm trước Hội đồng giáo dục quốc gia, mỗi môn sẽ có chủ biên thực hiện nhiệm vụ, báo cáo trước tổng chủ biên.

Tinh thần của đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này là giảm số đầu môn, giảm dung lượng và tích hợp kiến thức. Những môn nào trùng hợp, gần nhau thì hình thành các chủ đề liên môn - đó là những chủ đề hội tụ, liên kết. Nội dung chương trình giáo dục phổ thông sẽ tích hợp cao lớp dưới, phân hóa dần lớp trên (THPT). Đây là xu hướng của thế giới. 

Tiểu học sẽ có môn độc lập Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, tích hợp lĩnh vực khoa học tự nhiên - xã hội - nghệ thuật thành tìm hiểu tự nhiên xã hội ở lớp 1, 2, 3; lớp 4 -5 và THCS sẽ tách thành nhánh khoa học tự nhiên và nhánh tìm hiểu xã hội. "THPT vẫn là Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, ngoài ra có môn tích hợp nhưng mức độ như thế nào, những khó khăn của giáo viên có thể gặp phải và cách giải quyết sẽ cần bàn thêm", ông Dũng cho hay.

Hoàng Thuỳ

Theo Vnexpress

Tác giả: ; xuất bản: 18/01/2015 12:58
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....