Đại học

Bộ chuyên ngành vẫn quản lý chuyên môn đào tạo

TT - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội,tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 14-1 triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp, đã khẳng định như trên. Ông Dương Đức Lân, tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cho biết hiện Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT xây dựng khung trình độ gồm tám bậc dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 3-2015.

“Với khung trình độ tám bậc thì hệ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề thống nhất là bậc 4, cao đẳng và cao đẳng nghề thống nhất là bậc 5. Bộ LĐ-TB&XH sẽ quản lý nhà nước từ bậc 5 trở xuống" - ông Lân nói.

Tuy nhiên, cũng có câu hỏi đặt ra là ai sẽ quản lý về chuyên môn của các trường cao đẳng sư phạm, cao đẳng y tế, đương nhiên trong các quy định tới đây sẽ nói rõ Bộ GD-ĐT vẫn quản lý về chuyên môn đào tạo của ngành sư phạm, Bộ Y tế vẫn quản lý về chuyên môn đào tạo của ngành y tế, còn Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ quản lý về mặt nhà nước đối với các bậc đào tạo này chứ không quản lý chuyên môn đào tạo thay các bộ chuyên ngành.

Ông Lân cũng cho biết hiện cả nước có 1.463 cơ sở dạy nghề, gồm: 171 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề, 991 trung tâm dạy nghề.

Theo bà Mai Thúy Nga, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, bên cạnh những trường nghề hoạt động không hiệu quả cũng có rất nhiều trường hoạt động hiệu quả.

“Kết quả tuyển sinh của 45 trường nghề được lựa chọn tập trung đầu tư để trở thành trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, tính đến cuối năm 2014 cho thấy có 13 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, các trường còn lại đều đạt 70-90% kế hoạch, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt gần 80%, mức lương cũng đạt 3,8-7 triệu đồng/tháng” - bà Nga nói.

Ông Phạm Xuân Khánh, hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, khẳng định muốn tuyển sinh được không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng đào tạo từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên.

“Năm 2014 chúng tôi tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu thì có hơn 4.000 hồ sơ dự tuyển. Đặc biệt là có hơn 100 em đã đỗ đại học nhưng vẫn nộp hồ sơ tuyển sinh vào học tại trường. Đương nhiên chúng tôi cũng có cách làm riêng khi quyết định những học sinh đỗ đại học khi vào học tại trường sẽ được hưởng học bổng đầu khóa” - ông Khánh cho biết.

Theo ông Lân, để giải quyết vấn đề trường nghề yếu về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy, không có cách nào khác là phải tái cơ cấu các trường.

“Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng - trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên... để tổng hợp và lập quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trình Thủ tướng phê duyệt. Tinh thần là theo cách làm hiệu quả của nhiều nước, trên cơ sở phải tái cơ cấu nhiều trường yếu thành một trường khỏe” - ông Lân nói.

XUÂN LONG

Theo tuoitre.vn

Tác giả: ; xuất bản: 19/01/2015 09:52
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....