Sau 4 năm tạm dừng vì tỷ lệ lao động VN cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc quá cao, ngày 17.5, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Việc làm - Lao động Hàn Quốc đã ký kết ghi nhớ nối lại thị trường lao động.
Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc
Cơ hội tốt cho lao động Việt Nam
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Li Ki Kơn đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS, ngày 17-5 vừa qua. Bản ghi nhớ đánh dấu việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trở lại bình thường.
Từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 75.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Việc người lao động Việt Nam bỏ hợp đồng không trở về nước, cư trú bất hợp pháp chiếm tỷ lệ cao tại Hàn Quốc đã làm cho chương trình bị gián đoạn. Từ tháng 8-2012 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ bình thường về Chương trình EPS mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn một năm, vào tháng 12-2013 và tháng 4-2015; theo đó chỉ những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2012 và những lao động đã làm việc tại Hàn Quốc thuộc diện tái nhập cảnh có thể tham gia Chương trình. Tỷ lệ lao động bỏ trốn cao khiến ba năm trở lại đây có khoảng 35.000 đến 40.000 người mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Quan trọng là ý thức người lao động
Thứ trưởng LĐ-TB và XH Doãn Mậu Diệp cho biết, để ký lại Bản ghi nhớ này, hai bên đã rất nỗ lực đàm phán. Cuối năm 2012-2013, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lên đến 50% - 55%. Hai bên thống nhất tạm dừng đưa lao động mới đi và tìm cách giảm thiểu tỷ lệ này bằng nhiều biện pháp, như: Ký quỹ trước khi đi, xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng. Phía Hàn Quốc cũng miễn, giảm xử phạt đối với lao động tự nguyện hồi hương, không bị tạm giam...
Nhờ những nỗ lực của các cơ quan hai nước, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% vào cuối năm 2013 xuống còn khoảng 35% vào cuối năm 2015, số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người xuống còn hơn 15.000 người. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của 14 nước khác có phái cử lao động sang Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động hai nước đã quyết định ký lại thỏa thuận đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Năm 2016, Hàn Quốc dự kiến dành chỉ tiêu 3.500 lao động cho Việt Nam. Dù không như kỳ vọng nhưng do tỷ lệ lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn quá nhiều cho nên phía bạn khó có thể tăng quota cho Việt Nam. Theo yêu cầu của MOU, số lao động mới của Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chỉ có thể tăng khi lao động bất hợp pháp chịu về nước. Để giải quyết tình trạng này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, sau khi hai bên ký kết MOU, phía Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt những chính sách, biện pháp giảm lao động bất hợp pháp theo kế hoạch và lộ trình mà Bộ LĐ-TB và XH và Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc đã thống nhất, trong đó tập trung vào các giải pháp như: Triển khai chính sách ân hạn đối với lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1-5 đến hết ngày 30-9-2016 mà Chính phủ vừa thông qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016 (theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9-5-2016). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước, nhất là tại 15 tỉnh, thành phố có nhiều người lao động ở Hàn Quốc (hiện chiếm hơn 80% tổng số lao động Việt Nam ở Hàn Quốc) nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của người lao động làm việc tại nước này. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, Bộ LĐ-TB và XH có thể tạm dừng việc tham gia chương trình của một số địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao.
Chưa tuyển chọn lao động tại các tỉnh có tỷ lệ bỏ trốn cao
Theo ông Diệp, những lao động độ tuổi từ 18 - 39, không có tiền án tiền sự hoặc không thuộc diện bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, cấm xuất cảnh VN, đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài đều có cơ hội tham gia thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, những LĐ đã hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, những LĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương theo các chương trình ân xá của hai Chính phủ cũng có cơ hội quay trở lại làm việc. Mức chi phí vẫn không thay đổi (630 USD/người, bao gồm tiền tập huấn, hồ sơ, visa và vé máy bay).
Để tạo cơ hội cho nhiều đối tượng mong muốn nhưng chưa có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc, trước mắt Bộ LĐ-TB-XH sẽ xem xét tạm thời chưa tuyển chọn LĐ tại các địa phương có số LĐ bất hợp pháp cao và người lao động có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Hiện có nhiều địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao (chiếm 85% LĐ cư trú bất hợp pháp) nằm trong diện xem xét tạm thời chưa được tuyển chọn như: Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Tổng hợp