* Mục tiêu chung
Xây dựng Trường Đại học Thương mại trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực thương mại hiện đại; một trung tâm giáo dục đào tạo bậc đại học và sau đại học đạt chuẩn chất lượng cao của quốc gia và tiếp cận đẳng cấp quốc tế về chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến và cập nhật, hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở học liệu hiện đại, môi trường giáo dục kỷ cương và thân thiện với người học; một “đại học hiệu” hàng đầu của quốc gia và có uy tín quốc tế trong cung ứng dịch vụ đào tạo, khoa học công nghệ nhằm cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao và góp phần nghiên cứu và giải quyết những vấn đề khoa học quan trọng trong thực tiễn các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại các hoạt động đầu tư và sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của đất nước giai đoạn sau gia nhập WTO.
* Các mục tiêu cụ thể:
1- Phát triển các ngành nghề đào tạo đại học và sau đại học theo hướng đào tạo các ngành của khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh bậc đại học, đồng thời mở rộng sang các ngành có liên quan đến chuẩn mực thương mại hiện đại của WTO như: Ngoại ngữ thương mại (hạt nhân là Tiếng Anh thương mại), luật, công nghệ thông tin, các ngành thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ trong đó lấy du lịch là mũi nhọn và phát triển các ngành dịch vụ như phân phối, logistics, tài chính, bảo hiểm, quản trị tri thức, sở hữu trí tuệ và thương hiệu, quản lý thương mại các hoạt động đầu tư và doanh nghiệp liên doanh... trên cơ sở cân nhắc nhu cầu phát triển thương mại, cân đối mục tiêu và nguồn lực và đảm bảo chất lượng. Phát triển các chuyên ngành đào tạo sau đại học Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Hệ thống thông tin quản lý và phát triển các CTĐT tiên tiến trên cơ sở các chuyên ngành sâu, mũi nhọn thuộc thế mạnh đặc trưng của Trường và nhu cầu về chuyên gia trình độ cao cho phát triển thương mại hiện đại. Phát triển quy mô trong mối quan hệ với mở rộng cơ cấu ngành, chuyên ngành đào tạo. Đảm bảo đến năm 2015 tăng bình quân ở mức 10 - 12%/năm cùng với việc mở rộng các ngành và chuyên ngành đào tạo. Từ năm 2015 giữ ổn định ở mức quy mô tối ưu trong khi vẫn mở rộng ngành và chuyên ngành theo sự phát triển của nhu cầu KT - XH. Phấn đấu đến năm 2020 quy mô đào tạo là 22.000 SV đại học chính quy, 13.000 SV đại học vừa làm vừa học, 8.000 SV các hệ đào tạo khác, 2.200 HV cao học, 270 NCS. Đây là tỷ lệ quy mô tương thích giữa nhu cầu xã hội về các ngành nghề, năng lực đào tạo của Trường và yêu cầu đảm bảo chất lượng. Từ năm học 2007 - 2008 chuyển đào tạo hệ đại học và cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ, đến năm 2012 đảm bảo yêu cầu liên thông tín chỉ với các đối tác liên kết, hợp tác đào tạo quốc tế trong khu vực và thế giới trên cơ sở hiệp định thoả thuận tương đương và thừa nhận chương trình đào tạo với các trường đại học đối tác. Phấn đấu đến năm 2020 đủ điều kiện tham gia hệ thống chuyển đổi tín chỉ ASEAN và quốc tế.
2- Nâng cao quy mô, chất lượng hoạt động và chất lượng sản phẩm KH & CN, chuyển giao ngày càng có hiệu quả các đề tài NCKH vào thực tiễn thương mại nước ta nói chung và thương mại hiện đại Thủ đô Hà Nội nói riêng, tạo chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng các tiêu chí trường đại học có định hướng nghiên cứu và trở thành một trung tâm KH & CN đầu ngành trong các lĩnh vực thương mại của quốc gia và có uy tín quốc tế; khuyến khích các khoa, bộ môn chuyên ngành thành lập các trung tâm R&D với cơ chế tổ chức quản lý linh hoạt, thực chất và hiệu quả; tăng cường tiềm lực KH & CN và phát huy hiệu quả các Trung tâm thực hành TMĐT, Trung tâm Thương hiệu, và các Trung tâm R&D hiện có; thành lập Viện Phát triển Thương mại, nâng cấp và tăng cường năng lực Tạp chí Khoa học Thương mại của trường; phấn đấu đến năm 2015, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ đạt tối thiểu 11 - 14% tổng nguồn thu của trường, đến năm 2020 đạt 15 - 20%.
3- Đổi mới và phát triển hợp tác quốc tế nhằm tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học tiên tiến của khu vực và thế giới phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam, từng bước tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực thương mại cho khu vực và thế giới. Thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá loại hình hợp tác, giữ vững và phát triển hợp tác quốc tế một cách toàn diện với các đối tác truyền thống (Pháp, Trung Quốc, Đài Loan), đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác mới thuộc các nước nói tiếng Anh, các nước ASEAN, Đông Bắc á và châu Âu trong các hoạt động liên kết đào tạo đại học và sau đại học, áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến, phát triển hướng đào tạo mới (cử nhân thực hành, thạc sĩ thực hành), trao đổi giảng viên và sinh viên, phối hợp các hoạt động nghiên cứu khoa học có hiệu quả nhằm nâng cao nội lực và đem lại nguồn thu cho Nhà trường. Tăng cường các hoạt động giao lưu quốc tế thông qua việc tham dự các diễn đàn, hội thảo quốc tế, tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài nhằm đổi mới và nâng cao năng lực quản trị trường đại học theo chuẩn mực khu vực và quốc tế; chủ động tiếp cận các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm bổ sung nguồn lực tài chính cho trường.
4- Hoàn thiện và phát triển các chính sách và cơ chế tổ chức, quản lý Trường theo hướng chuyên nghiệp, tinh giản, hiện đại và chú trọng hiệu lực, hiệu quả, trong đó phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các đơn vị, trong mỗi đơn vị tổ chức tốt công việc, nhân sự, quy trình, mối quan hệ tổ chức và chuẩn chất lượng; tăng cường tính chuyên nghiệp, sáng tạo và từng bước xây dựng, phát huy văn hoá tổ chức trong Nhà trường. Tập trung và ưu tiên nguồn lực nâng cao thực chất, có trọng tâm trọng điểm chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đảm bảo có phẩm chất chính trị, đạo đức và tính chuyên nghiệp cao, có năng lực vận dụng các phương pháp giảng dạy và quản lý tiên tiến, hiện đại; phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 80% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó 30% có trình độ tiến sĩ, đến năm 2020 có 85 - 88% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó 45 - 50% có trình độ tiến sĩ; tỷ lệ PGS và GS đạt 15%, giảng viên chính 40% và giảng viên cao cấp 5% trên tổng số giáo viên cơ hữu; tỷ lệ sinh viên/giáo viên quy đổi không quá 20.
5- Xây dựng và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng của Trường trên cơ sở quy hoạch tổng thể cả về chiều sâu lẫn chiều rộng nhằm tạo môi trường thuận lợi, hài hoà để phát huy toàn bộ năng lực và trí tuệ của giảng viên và sinh viên trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; năm 2013 hoàn thành dự án khu liên hiệp giảng đường lớp học và trung tâm đào tạo thực hành C - D, khu ký túc xá Sinh viên; phấn đấu đến năm 2017 hoàn thành dự án toà nhà đa chức năng A - B gồm các khuthực hành, giáo dục thể chất, dịch vụ, hợp tác quốc tế, phòng học E-learning, hệ thống phòng tra cứu (thư viện điện tử); đăng ký tham gia dự án quy hoạch xây dựng trường ĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2020 triển khai xây dựng cơ sở 2 của trường trên diện tích từ 5 - 7 ha đủ đảm bảo quy hoạch đào tạo đại học chính quy chương trình giáo dục đại cương (1 - 1,5 năm đầu); phát triển hạ tầng và kết hợp tăng cường các trang thiết bị giảng dạy, học tập và NCKH theo hướng hiện đại và phù hợp với điều kiện thực tế của Nhà trường.
6- Thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế - tài chính - kế toán; xây dựng quy chế và lộ trình thực hiện tự chủ nhà trường theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ; đảm bảo thực hiện đúng quy định về kiểm toán và công khai về tài chính. Phấn đấu nâng tổng nguồn thu của Trường từ hoạt động sự nghiệp và hoạt động dịch vụ đến 2015 tăng 1,6 lần và 2,5 lần vào năm 2020 (so với năm 2008); thu nhập bình quân đầu người (đã loại trừ các yếu tố biến động vĩ mô) tăng 1,5 lần vào 2015 và 1,8 lần vào 2020. Đảm bảo nguồn và định mức chi trong tương quan với chuẩn chất lượng các ngành, chuyên ngành đào tạo.
Theo vcu.edu.vn
|