Xét tuyển Cao đẳng

GS Đào Trọng Thi: 'Bộ Giáo dục cùng soạn SGK để tránh rủi ro'

"Người dân vẫn than phiền ngành giáo dục hay lấy học sinh ra làm thí nghiệm, nếu xã hội hóa hoàn toàn việc viết sách giáo khoa (SGK) và Bộ Giáo dục không tổ chức biên soạn thì việc lấy học sinh làm thí nghiệm mới kinh khủng", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nói.

GS Đào Trọng Thi.

- Nghị quyết về đề án đổi mới chương trình SGK sắp được Quốc hội thông qua, nhưng vấn đề đang có nhiều ý kiến là việc Bộ GD&ĐT có nên biên soạn một bộ SGK hay không? Dự thảo nghị quyết lần cuối trình Quốc hội thông qua sẽ theo hướng nào, thưa ông?

- Nhiều SGK cho một môn học là cần thiết và đã đến lúc xã hội hóa xuất bản SGK với điều kiện nhất định. Thảo luận ở Quốc hội cũng như góp ý của xã hội có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Thứ nhất là giao hết tổ chức cá nhân biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT chỉ đứng ra thẩm định. Thứ hai là cùng với các tổ chức cá nhân biên soạn thì Bộ Giáo dục vẫn phải biên soạn một bộ sách.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ sẽ tiếp tục giải trình lại vấn đề này. Cụ thể, trong số SGK các tổ chức cá nhân biên soạn, chúng ta vẫn phải giao cho Bộ Giáo dục chủ động biên soạn một bộ SGK. Vì nếu giao hoàn toàn cho tổ chức cá nhân, Bộ Giáo dục không làm thì đến lúc chúng ta cần nhưng chưa có SGK thì làm thế nào? Chúng ta phải chủ động, nếu không chủ động thì đến lúc cần SGK, người ta đưa cho mình bộ nào phải dùng bộ đó, như thế là bị động, là không kiểm soát được chất lượng. Đấy là chưa kể còn một số lý do khác, ví dụ chúng ta phải tiến hành dạy thử nghiệm SGK trên quy mô nhỏ xem có thành công không.

- Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, nhưng tại sao vẫn thận trọng như vậy?

- Xã hội hóa SGK là định hướng rất tốt, nhưng đó là vấn đề quá mới. Vì vậy, phải có bước đi thận trọng, vững chắc. Nếu không thận trọng, xảy ra rủi ro thì sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho việc học tập của các em. Đổi mới nhưng không thể lấy học sinh ra làm thí nghiệm.

Xã hội hóa luôn là con dao 2 lưỡi. Người dân vẫn than phiền ngành giáo dục hay lấy học sinh ra làm thí nghiệm cho những đổi mới của mình, nếu xã hội hóa hoàn toàn việc viết SGK và Bộ Giáo dục đứng ngoài cuộc việc tổ chức biên soạn thì việc lấy học sinh ra làm thí nghiệm mới thực sự kinh khủng. Chúng ta cũng cần phải hiểu rõ, từ trước đến nay, kể cả khi chỉ có một bộ SGK thì Bộ Giáo dục cũng chưa bao giờ trực tiếp đứng ra làm SGK, bộ chỉ tổ chức, tập hợp đội ngũ để biên soạn.

- Nhiều đại biểu và cử tri lo ngại nếu Bộ làm một bộ SGK thì không còn công bằng cho các tổ chức xã hội khác cùng làm SGK vì không bộ sách nào có thể cạnh tranh nổi với sách của Bộ?

- Để bảo đảm tính công bằng cần phải có những giải pháp cụ thể như quy trình thẩm định phải khách quan, minh bạch; hội đồng thẩm định SGK hoạt động độc lập, khách quan để bảo đảm tất cả bộ SGK đều được Hội đồng thẩm định một cách bình đẳng. Ngoài ra, việc lựa chọn SGK nào để giảng dạy là do nhà trường quyết định nhưng phải theo quy định. Nhà trường lựa chọn nhưng phải lấy ý kiến công khai của phụ huynh, học sinh, giáo viên để bảo đảm lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất với trường đó.

Cơ chế tài chính trong biên soạn, sử dụng SGK cũng phải công bằng. Các nhóm làm SGK phải được hỗ trợ kinh phí như nhau không phân biệt Bộ Giáo dục hay các tổ chức, cá nhân; kinh phí hỗ trợ học sinh mua SGK cũng được chi như nhau đối với các bộ SGK. Như vậy là sẽ bảo đảm được công bằng giữa các bộ SGK, sách nào hay thì sẽ được lựa chọn.

Tất cả những vấn đề này Nghị quyết của Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ phải thực hiện. Trên cơ sở Nghị quyết, Chính phủ sẽ hoàn thiện và ban hành đề án để triển khai, có sự giám sát của Quốc hội, xã hội.

- Theo ông, lần đổi mới chương trình, SGK phổ thông lần này mất bao lâu sẽ đi vào ổn định?

- Lần này chúng ta có chủ trương không làm cuốn chiếu từ lớp 1 đến lớp 12 như trước đây. Ở tiểu học không thay đổi nhiều thì chúng ta làm đồng thời, năm đầu tiên có thể làm luôn 5 lớp. Còn THCS và THPT thì phải làm theo kiểu cuốn chiếu. Nhưng cuốn chiếu theo từng cấp học. Do đó, dài nhất chỉ 4 năm. Nếu năm học 2018-2019 bắt đầu thì đến năm năm 2023 sẽ xong.

Nòng cốt để đổi mới giáo dục phổ thông chính là đổi mới chương trình, SGK, trong đó bao gồm cả đổi mới phương pháp giảng dạy, việc đánh giá, thi cử. Bộ Giáo dục hiện coi đổi mới thi cử là khâu đột phá, trong khi chuẩn bị chưa căn bản thì đổi mới thi cử có thể tạm coi là đổi mới về khâu hình thức, còn đổi mới về mặt nội dung phải là đổi mới chương trình, SGK, phương pháp giảng dạy. Vì vậy, đề án đổi mới chương chương trình, SGK sẽ phải đươc triển khai một cách hiệu quả để bảo đảm mục tiêu đổi mới.

Hoàng Thuỳ ghi

Theo vnexpress

Tác giả: ; xuất bản: 18/01/2015 11:19
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....