Tư vấn chọn nghề

Học nghề gì để không lo thất nghiệp?

Xu hướng chọn nghề trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0?

Hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, cùng những cảnh báo về sự thay đổi của thị trường lao động trong cuộc CMCN 4.0 càng khiến việc chọn nghề khó khăn hơn.

Thời điểm các trường ĐH bắt đầu thông báo nhập học tới tân sinh viên cũng là lúc không ít thí sinh vẫn đang loay hoay trong việc tìm trường, chọn ngành do không đỗ trong đợt xét tuyển lần 1. Trong số đó, không ít em có nguyện vọng muốn học trường nghề, song vẫn còn nhiều băn khoăn. 

Nguyễn Thu Phượng (Mỹ Hào, Hưng Yên) vừa tốt nghiệp lớp 12. Trước đó, nữ sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành Tài chính – Ngân hàng của Học viện Tài chính và ngành Kế toán của ĐH Thương mại nhưng đều không đỗ.

“Hiện tại em đang có ý định học nghề, nhưng lại chưa biết nên chọn trường nào, ngành nghề nào cho phù hợp. Một số công việc có thể có nhu cầu cao ở hiện tại, nhưng có thể, một vài năm nữa, thị trường lao động thay đổi, những ngành đang hot có thể sẽ lại rơi vào tình trạng ế ẩm”, Phượng lo lắng.

Tương tự, Nguyễn Thế Quân (Hải Dương) không trúng tuyển đại học trong đợt xét lần 1.

Hiện tại, nam sinh vẫn băn khoăn về việc có nên chuyển hướng học nghề hay dành 1 năm để ôn thi đại học.

“Em có nguyện vọng vào ngành Công nghệ ô tô của ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp nhưng đều không đỗ. Được biết khá nhiều trường nghề có đào tạo ngành này. Nhưng em vẫn còn băn khoăn khi ra trường xin việc, nhà tuyển dụng có ưu tiên các ứng viên tốt nghiệp đại học hơn hay không”?

Thực tế, đây là băn khoăn chung của không ít học sinh và phụ huynh trong các mùa tuyển sinh. Đặc biệt, khi hiện nay vẫn có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường, cùng các cảnh báo rằng sẽ có nhiều công việc có khả năng bị thay thế bởi robot trong cuộc CMCN 4.0, việc lựa chọn nghề nghiệp lại càng khó khăn hơn nữa.

Theo GS.TS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, học nghề gì, ở đâu để sau này có việc làm là câu hỏi đang được giới trẻ và phụ huynh rất quan tâm.

Thông tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam cho thấy rõ thực trạng không phải cứ học đại học là có được một công việc tốt, mà học đại học xong vẫn thất nghiệp là một thực trạng khá phổ biến. Để đảm bảo đầu ra sau quá trình học, người học cần có nhận thức đúng đắn về các ngành học và nhu cầu thị trường.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết, trong những năm gần đây và thời gian tới, các ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam chủ yếu thuộc về các nhóm ngành như Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, Điện tử và viễn thông; ngoại ngữ; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Dịch vụ thẩm mỹ; Điều dưỡng – hộ sinh.

Cụ thể một số ngành, nghề như: Công nghệ thông tin; Marketing; Quan hệ công chúng; Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Hướng dẫn du lịch, Quản trị nhà hàng, khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, Điện tử công nghiệp, Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Thiết kế đồ họa, Điều dưỡng, Hộ sinh, Chăm sóc sắc đẹp, Lập trình viên, Các ngành, nghề thuộc lĩnh vực hàng không (Lái máy bay, tiếp viên hàng không...).

Nói thêm về việc chọn trường nghề sao cho phù hợp, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, việc lựa chọn học ở đâu cũng là một vấn đề phụ huynh và học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh trường hợp các trường quảng cáo, Marketing quá đà so với năng lực thực tế. Căn cứ vào nhóm ngành, nghề xã hội có nhu cầu cao, phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu xem trường nào đang đào tạo, thông tin về nhà trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, website để từ đó chọn trường cho chính xác.

Còn theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Serach, thực tế trên thị trường lao động các năm qua, nhiều bạn trẻ có bằng cử nhân nhưng chưa chắc đã xin được việc và vẫn có khả năng thất nghiệp. Điều mà các nhà tuyển dụng quan tâm không phải là bằng cấp mà là năng lực làm việc thực tế của ứng viên.

Hiện nay xu hướng trên thế giới tại nhiều quốc gia đã chuyển qua các mô hình giáo dục chú trọng vào đào tạo nghề và học nghề, bởi những lợi ích thiết thực mà nó đem lại

“Chương trình đào tạo nghề thường phù hợp và sát với thực tiễn nên khi sinh viên tốt nghiệp đã có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, ở trường nghề các em vừa được học và thực hành trong môi trường làm việc đúng theo chuyên ngành. Hiện khá nhiều trường nghề đã thực hiện cam kết đầu ra cho sinh viên, do đó, người học được đảm bảo việc làm sau khi ra trường.

Đối với nhu cầu thị trường thời gian gần đây, Navigos đã nhận được những chỉ thị rất thẳng thắn của một số nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị những dự án khá lớn ở Việt Nam trong việc lựa chọn tuyển nhân viên tốt nghiệp trường nghề hoặc cao đẳng mà không phải là tốt nghiệp đại học.

Theo thông tin gần đây nhất và theo tôi là một tín hiệu khởi sắc đối với các trường học nghề là mùa tuyển sinh năm nay nhiều thí sinh có điểm tốt nghiệp cao (từ 19 điểm trở lên) cũng lựa chọn nộp đơn vào các trường nghề.

Điều này cho thấy sự thay đổi lớn trong quan điểm của các bậc phụ huynh và các em học sinh về học nghề”, bà Phương Mai cho biết./.

Nguồn: Nguyễn Trang/VOV.VN

Tác giả: xettuyendaihoc.net.vn ; xuất bản: 03/01/2019 04:02
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....