Trong tâm trí và suy nghĩ của rất nhiều người: nghề giáo viên sư phạm mầm non chỉ làm các công việc trông giữ trẻ là chính. Tuy nhiên xét ở góc độ công việc thực tế các cô giáo mầm non phải làm một ngày thì có lẽ bạn sẽ suy nghĩ lại, thông cảm và hiểu hơn về các cô. Bạn cứ thử tưởng tượng khi bạn có 1 đến 2 đứa trẻ trong gia đình, chúng nghịch chúng hò hét, chúng quấy khóc... bạn bắt đầu cảm thấy cuộc sống mệt mỏi vất vả. Nhưng ở trường mầm non một lớp các cô có tới 30-40 đứa con, nghĩ tới đây là nhiều người cũng phải sợ xanh lè mắt, chứ các cô vừa trông vừa phải đảm nhiệm công việc dạy dỗ các con những điều hay lẽ phải, những bài học đầu đời trong cuộc sống...
Ngày mới đến ánh hồng e ấp, 6 giờ 30 phút cô đợi đón bé thơ, mẹ bận làm xa con đến trường trong ngái ngủ, ôm vai cô mếu máo ư e. Giáo viên mầm non bục giảng đầu ngày là cửa lớp, bao tình huống với trẻ, với phụ huynh, thông tin của nhà trường. Cửa lớp rộn ràng , ngắn gọn, “giờ vàng”.
Thể dục sáng búp non bàn tay trẻ, chân lon ton theo cô nhịp đệm với tiếng cười. Bàn ghế dọn ra, bé mời nhau giờ ăn sáng, cô khen bé tự xúc ăn, cầm tay con chưa quen tự lực, đón bạn mới vào, ngọt nhạt dỗ bé biếng ăn. “Cô ơi, con ăn hết rồi, hôn tay con giỏi đi!” “Bạn ọc sữa,” “bạn làm đổ”, “bạn lấy muỗng của con”, “con đau bụng”, con no không ăn đâu”. Í ới bàn ăn, cô tay thoăn thoắt, chẳng ngơi lời. Những nụ hôn khen thưởng bé ngoan, “ bo xì” 1 điểm,….mỉm cười.
Bao quát trẻ lau mặt, uống nước, vệ sinh, thuốc cho bé bệnh, có một nhóm xuống sân chơi, một nhóm học theo chương trình. Hôm cô đàn cháu hát múa vui tươi, buổi tô màu, vẽ nặn, thể dục, học thơ, chuyện kể. Bé xúm xít học cùng cô, bé thích chạy vòng vòng. Năm cải cách, năm giáo dục mầm non mới, nay giáo dục mầm non vì dùng đã lâu rồi. Máy chiếu, Ti vi, Laptop, đồ dùng tự tạo bằng nguyên vật liệu mở, phương pháp và kinh nghiệm, sổ kế hoạch, phiếu quan sát, sổ bé ngoan…. Khi thi phân loại, lúc dự giờ, buổi mời phụ huynh tham quan giờ học, đón thanh tra, lên chuyên đề, giọt mồ hôi đẫm nét cười. Bé uống sữa lúc 9 giờ, rửa ly xong xuống sân theo lịch, quan sát tự nhiên, chơi vận động, tự do. Tiếng cô tiếng trẻ hoà vào rộn rã, chân con nô nức, bước cô lẹ làng, mắt dõi nhắc bé giữ an toàn, nhẹ tay thương yêu bạn khi chơi. Sân trường không gian của niềm vui với những trò chơi, sinh hoạt, những nỗi lo canh cánh lòng cô.
Lớp học giờ chơi xoay kệ góc hình thành. Làm bác sĩ, nấu ăn, bán hàng theo kinh nghiệm. Xây nhà, múa hát, lắp ráp, xem tranh cười ha ha! Lúc chơi cô cũng như bạn, khi hướng dẫn là cô, lúc phân giải “bạn đánh con, con đánh bạn” cô là quan tòa. Lau lớp, cùng trẻ dọn đồ chơi, vệ sinh trưa tổ chức giờ ăn. Cơm canh đồ mặn và tráng miệng, “khẩu phần theo quy định”, “cho trẻ ăn theo nhu cầu”, thói quen sở thích ăn uống ở nhà, tình trạng sức khỏe hiện thời của bé, mong muốn của phụ huynh, cân đo sức khỏe biểu đồ tăng trưởng, chải răng rửa tay đúng theo y tế học đường, thay áo quần, lau dọn lớp kê giường cho bé thơ sạch mát giấc ngủ trưa. Áp lực, sai lầm, trầm tĩnh, tình thương, kĩ năng, kinh nghiệm và chấp nhận như trẻ là.
Cứ như thường cô ăn trưa rồi thay nhau nghỉ, chia nhau trực trẻ. Ngày lễ hội, đón thanh tra, lên tiết thì họp, tập văn nghệ, sổ sách, chuẩn bị học cụ đồ dùng. Trưa những ngày đầu năm học, hai tay ôm hai trẻ, bé cũ hơn ngồi kề bên mếu máo dỗi hờn. Cô mỉm cười trẻ nhanh nhảu gối đầu lên chân cô hic hic, một mẹ ba con dỗ giấc tròn đầy. Ngày hôm kia nằm quanh các bé khó ngủ hay nói chuyện, lúc sau thấy tóc cô ướt có mùi khai…
Có tiếng ho, xoa dầu lưng ngực. Có tiếng khóc giật mình, ôm dỗ trấn an. Oí, tè dầm cô rửa lau thay đồ sạch, chậc lưỡi nhắc bé còn khều bạn, lấy đồ chơi không ngủ.
2 giờ chiều, “trời sáng, dậy bạn ơi”, xếp giường gối, rửa mặt, vệ sinh ăn xế, xong nhận phần bánh flan hoặc Yaourt. Tắm thay đồ, chải tóc đẹp, sinh hoạt chiều rồi học Anh văn hay nhịp điệu.
4 giờ cổng mở, bé thơ sà vào lòng ba mẹ, một bàn tay vẫy một bàn tay. Lau lớp, hôm bằng cây, hôm bằng tay với dung dịch amway cho khô sàn gỗ, giặt phơi khăn.
5 giờ hơn khép cửa về, lòng thầm nói tạ ơn một ngày, bình an, may mắn. Đồng nghiệp. Bạn dẫn trẻ về nhà giữ ngoài giờ cho vui vừa có thêm thu nhập. Chị vội đi rước con, ghé chợ lo bữa cơm chiều. Em bị người yêu hờn dỗi bởi đợi lâu, vượt đường xa về thăm mà cứ lo ôm học cụ mai lên tiết. Tôi ghé hiệu ảnh rửa hình bảng tin, sinh nhật, xem lại bài lên trang web của trường, download vài hình, nhạc cho nội dung dạy trong tuần. Đêm thì thầm giọng mẹ bé lo âu, qua điện thoại hỏi “cô ơi nay ở lớp ăn gì giờ bé kêu đau bụng ?”
Một ngày là như thế, cũng có ngày khác thế. Hôm cô trò đi Suối tiên, Sở thú, Đầm sen. Ngày cô bán báo, bán VCD từ trên sở đưa xuống. Lúc bán vé trò chơi, hội chợ, khi ẩm thực, búp –phê. Nhờ phụ huynh nhiệt tình, cô khéo tay nên trang trí dựng gian hàng đạt giải, nhưng bán lỗ vốn nên hạ thi đua, trừ lương để bù vào. Ngày sinh nhật các con trong lớp cùng tháng làm chung tiệc liên hoan tất bật. Khi cô là MC cho con lên sân khấu múa hát, người mẫu nhí. Khi cô là “Chú cuội, chị Hằng, ông Địa” đón trung thu. Lúc Halloween cô hoá trang, khiêu vũ. Mùa Noel mặc đồ đỏ bụng to râu tóc bạc phát quà, con ngơ ngác, thích thú tưng bừng lớp học. Nhiều hoạt động cho con vui là được, phút mệt nhọc, căng thẳng, thoáng chạnh lòng cũng qua.
Có những kỉ niệm dễ thương đến thế và không ít những lần đáng nhớ không như thế. Có lần con tự vấp chân mình va đầu vào cửa, cô trò cùng khóc lúc đi khâu, may được phụ huynh thông cảm chẳng trách phiền, xin gửi lại tiền viện phí nếu là cô chịu. Có hôm bị muỗi chích, bạn cào, ông bà xót lòng gọi điện những lời chẳng dễ nghe. Có trường hợp viêm màng não, mắt trợn tròng, cô bế lao cầu thang, đến phòng khám thở oxy rồi chuyển viện, ngày cuối tuần vào thăm con líu lo khoe hết bệnh, bác sĩ chích con cười không đau. Có phụ huynh để con cho xe ôm đón về giữ ngoài giờ, ăn cơm tối, 20 giờ ba đến rước, tay con xưng đi bó bột mẹ trách khóc trên Face sau gặp cô nói lí do chính đáng: lúc đó vợ em xót con bức xúc thôi mà.
Lúc tuổi xanh nhiều mơ lắm mộng, biết gì đâu ngành học mầm non, nhưng rõ là nghề đã chọn người. Ngày rộng tháng dài, năm thứ 12, cô giáo mầm non.
Tạ ơn đời đã cho tôi, một nghề lương thiện nhiều niềm vui, đầy ắp tình thương. Những lúc nghỉ lễ, phép về quê líu lo giọng trẻ hỏi thăm mong nhớ. Bệnh ở nhà, phụ huynh nấu cháo, mưa che dù sang gửi cho cô. Khàn tiếng có hũ mật ong, bó rau ươm, ly giữ nhiệt. Lễ tết hoa quà. Ngày cuối năm bịn rịn, hè lên lớp mới, bé khóc chẳng muốn rời. Bao năm rồi, cứ ngày Hiến chương Nhà giáo, một bé về thăm cô con đã học lúc lên 3. Có những phụ huynh cùng thiện nguyện nẻo đường xa, tin mến đồng hành bao năm tháng.
Tạ ơn đời, với từng ngày trong công việc, tôi đảm đang, vững chãi hơn lên. Vui đơn sơ, buồn bé dại, trái tim thơ trong sáng cho tươi trẻ mà cũng thêm chín chắn bên đàn con ăn ngủ học chơi tươm tất, chu toàn. Đón giáo sinh bao lần vào thực tập, thấy lại mình của lúc ngơ ngơ, “chỉ hát ca kể chuyện, nâng niu, ở bên trẻ cả ngày vui biết mấy”. “Ồ, cho điểm em cao lắm vậy”, “để động viên em đã theo nghề”, trao lại cho các em cả phần bồi dưỡng của trường cho giáo viên hướng dẫn giáo sinh, chẳng dám nhận vì mình cũng chỉ làm bổn phận, một ngày kia các em sẽ đi làm mới thực sự chạm vào bên trong, sâu thẳm.
Hôm nay nghề lắm nghịch lý xảy ra, tôi chấp nhận vững lòng đường phía trước, cũng có lúc lắng lo mình có lỗi với đàn con trong mối tình nhận đã hơn cho. Cô giáo giờ muốn con khỏe con ngoan nhưng to tiếng là bạo hành tâm lí, bắt khoanh tay là tổn thương con trẻ, khẽ vài cái là phạm vào thân thể, khi con bị bạn đánh thì cha mẹ bất bình, “phải phạt nặng chứ cô”. Thêm tiếc là nghành bao chuyện đã xảy ra không thể cảm thông nên càng bị đời ngờ vực, trong lúc hoang mang quáng quàng tất cả, một lúc nào cô ngại dạy khuyên con. Sở thích, ước mơ thì tự do phát triển chứ nhân cách phải uốn nắn, hình thành. Lựa chọn sự an toàn là làm ngơ hiện tại, ngày mai trách nhiệm thuộc về ai ? Đối diện với mình nhìn lại quãng đường qua, “trong bối cảnh diễn ra sứ mạng”. Tôi viết lời từ trái tim cho mình, cho đồng nghiệp, chia sẻ nỗi niềm cô giáo mầm non.
Hãy cho hết tình yêu thương, cháy hết với đam mê về công việc, vì tình yêu nghề, vì cái nghiệp của mình các chị các em nhé.
(Tác giả: Cô Ngọc Diễm - Ngành GDMN hiệu đính)