Theo nhận xét của một số hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội, trong tháng cao điểm (tháng 3), nhiều trường đã lên “chiến lược” ôn thi thích hợp với từng đối tượng học sinh.
Điều chỉnh phù hợp kì thi
Theo ông Đặng Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), do đầu vào của học sinh trường mình khá cao nên việc ôn tập khá nhẹ nhàng. Trong 6 năm trở lại đây, trường không tổ chức ôn thi cho học sinh có học lực yếu.
Do trường có tài liệu sớm nên, theo ông Chiến, học sinh được ôn tập theo phương thức lồng ghép trong chương trình chính khóa chứ không tổ chức lớp ôn tập trung ngoài giờ học.
Chỉ đến khi kết thúc chương trình chính khóa vào cuối học kỳ II, nhà trường dự kiến sẽ thống nhất với phụ huynh và học sinh để tổ chức ôn thi trong vòng 3-4 tuần cho các em theo kiểu thi môn nào, ôn môn đấy, không ôn đại trà.
Học sinh THPT ôn thi năm 2016
Nhà trường cũng không tổ chức thi thử nhưng giáo viên có các bài kiểm tra lồng ghép từ trước trong quá trình học. Qua khảo sát, năm ngoái, trường này có 76,28% học sinh đỗ vào ĐH nguyện vọng 1, khoảng 91% học sinh trên điểm sàn. Năm nay, khảo sát ban đầu cho thấy, trường có 100% học sinh xét tuyển vào đại học.
Ông Phạm Vương Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, việc ôn tập và định hướng cho học sinh là việc thường niên. Tuy nhiên, trong thời kì chuyển đổi các hình thức thi cử nên mỗi trường đều phải có điều chỉnh phù hợp.
Về phía trường mình, theo ông Tấn, việc ôn thi được chia đều thành các dạng trong cả năm, không chỉ dồn vào trong 1-2 tháng. Tuy nhiên, với học sinh đầu kém, nhà trường sẽ tổ chức các lớp ôn tập bắt buộc.
"Sau khi kết thúc chương trình học kỳ II và có kết quả học tập cuối năm, nhà trường sẽ tham khảo ý kiến của cha mẹ học sinh phối hợp về thời gian và động viên học sinh tham dự các lớp ôn tập này. Để tránh dư luận xấu, nhà trường không yêu cầu các em đóng bất cứ khoản tiền gì. Giáo viên của nhà trường cũng được động viên giảng dạy các lớp ôn tập này cho học sinh", ông Tấn nói.
Ôn tập nâng cao cho HS top trên
Mặc dù chưa kết thúc học kì II nhưng theo ghi nhận của PV Dân trí trước đó, một số trường THPT của Hà Nội đã tổ chức thăm dò nguyện vọng dự thi của học sinh lớp 12. Một số trường như THPT Lương Thế Vinh, THPT Việt Đức, THPT Phan Huy Chú..., học sinh đã có định hướng ôn tập theo các khối thi từ lớp 10.
Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho biết, việc phân loại học sinh được tiến hành từ đầu năm học. Trên cơ sở nguyện vọng của HS, nhà trường sẽ phân loại đối tượng để dạy phù hợp.
Đồng tình với ý kiến này, ông Chiến cũng chia sẻ, nhà trường luôn động viên tư vấn cho học sinh nên vào trường gì phù hợp với học lực để ôn thi sát sao hơn. Theo khảo sát ban đầu về nguyện vọng của học sinh tại Trường THPT Cao Bá Quát, khoảng 30-40% học sinh thi vào các trường điểm cao như: ĐH Ngoại thương, Ngoại giao, Kinh tế, Bách khoa...
Đây là giai đoạn nước rút của nhiều học sinh THPT (ảnh minh họa)
Còn lại một số học sinh học học lực yếu hơn một chút, các em cũng có chọn lựa ngành nghề phù hợp nên có tỷ lệ đỗ vào trường top dưới khá cao.
Chia sẻ về việc ôn tập cho các nhóm học lực như thế nào, theo Hiệu trưởng Tấn, năm nay trường có khoảng 90% học sinh đăng kí xét tuyển đại học. Khoảng 10% còn lại, nhiều em đang chuẩn bị hồ sơ đi du học.
Trong số 90% học sinh có nguyện vọng vào đại học, nhóm có học lực cao rất tự giác. Với đối tượng học lực này, nhà trường tổ chức các lớp ôn tập tự nguyện nâng cao dưới sự đồng ý của cha mẹ học sinh. Giáo viên cũng tạo điều kiện tối đa giải đáp thắc mắc cho học sinh ở những câu hỏi rất khó hoặc tập trung giải quyết các phần câu hỏi lấy điểm nâng cao trong kỳ thi tuyển.
“Chúng tôi đang dồn vào đợt cao điểm của tháng 3 về dạy học cũng như chuẩn bị báo cáo về việc lựa chọn cụm thi và môn thi đến lãnh đạo ngành giáo dục nên có thể nói, đây là giai đoạn nước rút của nhà trường cũng như với học sinh”, ông Tấn cho biết.
Mỹ Hà Dantri