Vũ Thu Thảo cho rằng, muốn đạt điểm cao trong kì thi đại học môn Lịch sử, thí sinh cần “bắt” được từ khóa, nắm được yêu cầu của đề và bản chất, nội dung của câu hỏi.
Chia sẻ bí kíp dự thi đại học khối C, thủ khoa đầu vào năm 2010 của ĐH Sư phạm Hà Nội Vũ Thu Thảo (đạt 27,5 điểm: 9,75 Sử; 9,25 Địa và 8,5 Văn) cho rằng, môn Lịch sử đòi học sinh phải có quá trình tích lũy kiến thức lâu dài, cần bắt tay vào học ngay từ đầu, không “ủ” kiến thức, bài tập. Đọc đi đọc lại nhiều lần, kết hợp với ghi chép.
Sau một khoảng thời gian, mang bài ra học lại bằng sơ đồ tư duy, tổng kết kiến thức theo giai đoạn – thời kì, khu vực. Tìm ra đặc điểm của giai đoạn, khu vực đó.
Ngoài ra, cần học sự kiện thông qua tranh ảnh và nhân vật Lịch sử, ghi nhớ các mốc sự kiện theo cặp.
Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, để đạt điểm cao môn Lịch sử, khi làm bài thi học sinh cần trình bày bài sạch sẽ, rõ ràng và khoa học. Chữ viết rõ ràng, dễ đọc, hạn chế gạch xóa; Mỗi ý viết thành 1 đoạn văn, không viết tràn lan.
“Đọc câu hỏi và “bắt” được từ khóa. Nắm được yêu cầu của đề và bản chất, nội dung câu hỏi; Gạch dàn ý: xác định ý chính, ý nhỏ. Ngoài ra, khi trình bày bài thi cần ăn cứ vào số điểm của câu hỏi để xác định thời gian làm mỗi câu”- Thảo cho biết thêm.
Thảo cũng cho biết, khi làm bài thi môn Lịch sử cần có phần mở bài ngắn gọn. Có thể dựa vào câu hỏi để mở, hoặc lấy một ý nghĩa của sự kiện để mở đầu. Kết thúc mỗi bài phải khẳng định lại vấn đề cần làm rõ; lấy 1 ý nghĩa của sự kiện hay 1 nhận xét của ai đó về sự kiện để khép lại bài làm.
“Luôn luôn lặp lại “từ khóa” trong bài làm để thể hiện bạn hiểu và bám sát yêu cầu của đề. Bài làm tập trung vào ý chính, ngắn gọn, không phân tích lan man”- Thủ khoa nhấn mạnh.
Vũ Thu Thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm học và làm bài tốt môn Ngữ Văn, Địa lý.
Thảo cho rằng, không học tủ bất cứ môn nào, không viết những gì mình không biết, không tự sáng tạo, “phát minh” (đặc biệt môn Sử).
“Sự kiện, số liệu không nhớ chính xác có thể nhớ gần đúng (xấp xỉ, khoảng, hơn, gần…, đầu năm, giữa năm, cuối năm). Trình bày khoa học rất cần thiết, giúp bạn chiếm được cảm tình của giám khảo”- Thảo cho biết.
Thảo cũng lưu ý, khi làm bài thi, thí sinh không được phép bỏ trắng câu hỏi nào, căn cứ vào điểm câu hỏi để phân chia thời gian làm bài hợp lí, đọc lại bài làm để sửa chính tả, diễn đạt.
Ở Môn Ngữ Văn, Thảo khuyên thí sinh nên chú trọng trang bị tốt kiến thức Nghị luận xã hội, thường xuyên tìm hiểu thông tin “nóng”, thời sự trên TV, Internet; Tủ cho mình những dẫn chứng tiêu biểu, cơ bản để làm bài NLXH; Viết văn theo ý, nhất thiết phải lập dàn bài.
Thảo cũng lưu ý các thí sinh cần đọc kĩ các văn bản văn học để thuộc dẫn chứng (thơ, văn xuôi). Chú ý chọn dẫn chứng và chi tiết “đắt” để ghi nhớ. Học thuộc các nhận định, nhận xét hay về tác giả, tác phẩm. So sánh các tác giả, tác phẩm cùng thời để thấy được phong cách của từng tác giả và đặc trưng riêng của mỗi tác phẩm.
Ở Môn Địa lý, thí sinh cần nắm chắc kĩ năng vẽ biểu đồ, nhận xét cũng như nắm được các số liệu, càng nhiều càng tốt. Các số liệu đó cần đúng (khoảng, gần, hơn…) không cần nhớ chính xác.
“Liên hệ thực tế tình hình thời sự, cập nhật các số liệu động (dân số, GDP)”- thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội nói.
Thủ khoa đầu vào và đầu ra của ĐH Sư phạm Hà Nội Vũ Thu Thảo
Họ và tên: Vũ Thu Thảo.
Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2010 với 27,5 điểm ( 9,75 Sử; 9,25 Địa và 8,5 Văn).
Thủ khoa Tốt nghiệp khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm HN năm 2014
Quê quán: Tân Hòa – Vũ Thư – Thái Bình.
Thành tích:
Phổ thông:
12 năm liền là HS giỏi. HS giỏi cấp huyện môn Văn năm học 2003-2004
Giải Ba HSG môn LS các trường Chuyên Duyên hải Bắc Bộ năm học 2007 - 2008
Giải Nhất HSG môn LS các trường Chuyên Duyên hải Bắc Bộ năm học 2008 - 2009
Giải Nhất tỉnh môn Lịch sử năm học 2006-2007 và 2009 - 2010
Giải Nhì HSG Quốc gia môn LS lớp 12 năm học 2009 – 2010
Thủ khoa Khối C cả nước 2010.
Đại học:
- Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng bằng khen vì có thành tích hoạt động xuất sắc trong năm học 2012 – 2013.
-Được kết nạp Đảng ngày 26/5/2014 tại Chi bộ Lịch sử Việt Nam (ĐHSPHN).
- Hiệu trưởng trường ĐHSPHN tặng giấy khen vì có thành tích hoạt động tốt trong Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Toàn quốc lần thứ V (2013).
- Hiệu trưởng trường ĐHSPHN tặng giấy khen: Danh hiệu Sinh viên xuất sắc năm học 2012 – 2013.
- Hiệu trưởng trường ĐHSPHN tặng giấy khen: Là sinh viên Tốt nghiệp xuất sắc – Thủ Khoa năm 2014.
-Thủ khoa Tốt nghiệp khoa Lịch sử - ĐHSPHN.
Tôt nghiệp loại: Xuất sắc ( Điểm: Tín chỉ 3.72, điểm thang 10: 8,8).