Ở ta, đang sôi sục nhất là chuyện môn Lịch sử khước từ vị trí tích hợp như các môn khoa học khác. Các lập luận bênh vực cho quan điểm này nói chung mang tính chủ quan do chưa tìm hiểu kĩ về giáo dục liên môn/tích hợp.
Đã thật sự là môn khoa học chưa?
Trong khi đó, hầu như không vị nào trong giới GD lịch sử đề cập đến vấn đề cốt lõi quyết định sự sống còn, sự hấp dẫn và tính khoa học của môn Lịch sử - đó là sự trung thực và tính khách quan của sự kiện lịch sử nêu trong chương trình-sách giáo khoa (CT/SGK). Họ hầu như lảng tránh câu hỏi quan trọng nhất trong tất cả các câu hỏi liên quan đến môn Lịch sử là một khoa học: Môn Lịch sử đã thật sự là môn khoa học trong nhà trường VN chưa?
Khi lí giải chuyện môn Lịch sử chưa hấp dẫn được học sinh, một GS phàn nàn vì thiếu tiền và phương pháp giảng dạy không tốt.
Ảnh minh họa. xettuyendaihoc.net.vn
Ví dụ cần đưa học sinh đi thăm nghĩa trang Trường Sơn để có cảm nhận về cuộc chiến vì “ai đến đó cũng khóc”. Cứ theo lập luận kiểu đó, khi học về trận Trân Châu Cảng, chắc phải đưa học sinh VN đến Hawaii? Muốn học sinh cảm nhận về vụ Thảm sát Katyn, phải đưa học sinh đến khu rừng này? Xin thưa, không quốc gia nào có đủ khả năng chơi sang như vậy? Sách vở và các phương tiện khác đủ khả năng “đưa” người học đến tận nơi.
Nếu cho rằng thực trạng người học chán học, người dạy chán dạy môn Lịch sử là do phương pháp dạy thật ra là tìm... “con dê tế thần”.
Cốt lõi của vấn đề là phương pháp tư duy về môn Lịch sử và nội dung CT/SGK môn này. Những lí giải thực trạng học sinh không thiết tha với môn Lịch sử đã được bàn nhiều rồi.
Lịch Sử trải dài nhiều nghìn năm
Hãy cùng nhìn vào phân bố nội dung CT/SGK môn Lịch sử từ trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) hiện hành và đề thi tốt nghiệp trung học -tuyển sinh đại học hàng năm sẽ thấy sự mất cân đối.
Chúng ta thường nói lịch sử đất nước trải dài nhiều nghìn năm. Khi đọc CT/SGK môn Lịch sử hiện đang lưu hành, sẽ thấy tỉ trọng nội dung dành để nói về … 3930 năm (tức là tính đến 1930) không nhiều bằng nội dung nói về giai đoạn từ 1930 được học ở cấp THCS và nhắc lại ở cấp THPT? Những nội dung quan trọng của 3930 năm này lẽ ra phải được giới thiệu đến người học vào cấp THPT, khi học sinh ở độ tuổi có khả năng nhận thức tốt nhất.
Thế hệ người viết bài này và những thế hệ sau đó biết về Trần Phú nhiều hơn là biết về Trần Hưng Đạo.
Thời đại nay đã khác xưa rất xa ở chỗ người đọc có nhiều phương tiện cùng phương pháp tư duy phê phán xem xét sự việc từ nhiều chiều một cách bình tĩnh.
Vị trí môn Lịch Sử trong chương trình chung
Lịch Sử chỉ là một trong hơn 10 môn học trong hệ thống trường phổ thông VN, mọi gia đình có con đi học đều thấy rất nặng nề.
Mọi môn học đều là phương tiện, giúp người học xây dựng vốn kiến thức cho mình, không có môn nào là mục đích tự thân. Nếu được coi là một khoa học thì nó cần được đối xử như các môn khoa học khác. Song, môn Lịch sử đã làm đúng và đủ chức phận là một môn khoa học hay chưa thì các GS hầu như ít nói tới.
Nếu cần xác định môn học “quan trọng nhất” hiện nay thì môn học ấy phải là môn Sinh học: Xã hội đang cần rau sạch, gạo sạch.... Vì, theo Bộ Y tế, hiện nay hàng năm tại VN số người chết vì ung thư là 75.000, cao gấp 07 lần tử vong vì tai nạn giao thông (VietNamNet/17/11) do thực phẩm độc hại. Người ta trước hết phải sống đã mới đến trường để học môn Lịch sử!
Nếu môn học nào cũng coi mình là “nhất” thì lưng con trẻ ngày càng gù thêm vì chiếc cặp nặng hơn người, trong khi lượng tri thức lại rất nhẹ.
CT/SGK chỉ là một trong rất nhiều phương tiện để giáo dục lịch sử. Khi người học (và cả người dạy) quay lưng, những người xây dựng CT/SGK cần xem lại sản phẩm của mình thay vì vội vàng chụp mũ “quay lưng với lịch sử”. Mà quay lưng với CT/SGK môn Lịch sử cũng không đồng nghĩa quay lưng với lịch sử.
Các GS đã khẳng định Lịch sử là môn khoa học. Vậy, hãy để nó ở vị trí một môn khoa học như các môn khoa học khác. Và khi đã xác định nó là môn khoa học, câu hỏi tiếp theo là từ lâu nay nó đã xứng đáng là môn khoa học hay chưa?
Xung quanh chuyện bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT, có GS đề xuất kiến nghị lên “cấp cao nhất”. Nếu vậy, nó dễ khiến người ta cảm giác đây là chuyện cậy mình cậy mẩy của “con đẻ”, và môn Lịch sử đang đứng ngoài và đứng trên cộng đồng khoa học.
Và cũng sẽ là vội vàng khi kết luận chương trình giáo dục liên môn/tích hợp có nghĩa là "khai tử" môn Lịch sử.
Mong mỏi của xã hội
Để Lịch Sử thật sự là môn khoa học thì tư duy về vai trò môn Lịch sử cần thay đổi, CT/SGK cần được xem lại một cách nghiêm túc để đảm bảo tính khoa học, đảm bảo mọi nội dung đưa đến cho người học và người đọc phản ánh sự thật khách quan.
Nếu môn Lịch sử kiên định vai trò làm công cụ tuyên truyền, tự nó sẽ tiếp tục đánh mất vị trí đáng có của nó.
Thay vì kêu ca “lên cấp cao nhất”, chúng ta hãy cùng nhau làm cho môn Lịch sử có sức hấp dẫn qua những bộ sách có chất lượng. Còn, nếu chỉ đòi một chỗ trong chiếc chiếu giữa đình để rồi lại nhâm nhi những món đã cũ mòn.
Xã hội đang chờ đợi.
Theo Nguyễn Phương (Vietnamnet)