Những ngày thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, nhiều thí sinh bị nhầm lẫn và thao tác vội vàng dẫn đến sai sót trong quy trình điều chỉnh nguyện vọng. Chỉ một thao tác nhấp chuột sai, thí sinh mất cơ hội không trúng tuyển đúng nguyện vọng.
Nhấp chuột vội vàng, thí sinh mất cơ hội
PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Mở TP.HCM chia sẻ rằng, vừa qua có những trường hợp thí sinh vội vàng điều chỉnh nguyện vọng mà chưa cân nhắc kỹ coi như mất cơ hội điều chỉnh phù hợp với mình.
Ông Hà kể rằng có trường hợp thí sinh khi chỉnh nguyện vọng kiểm tra không kỹ nên mất hơn 3 điểm. Nếu nhân hệ số thì tổ hợp thí sinh này đăng ký có thể lên đến 28-29 điểm, tuy nhiên thí sinh này lại nhầm tổ hợp nên điểm nhân hệ số tính ra chỉ còn 25 điểm.
“Thí sinh này đăng ký xét tuyển vào trường theo nhóm khối D, trong đó có nhiều tổ hợp. Thế nhưng thí sinh này khi đăng ký điều chỉnh lại chỉnh tổ hợp em ấy lại nhầm sang tổ hợp môn đáng lẽ sẽ đạt điểm cao thành tổ hợp có điểm thấp hơn. Khi thí sinh ấy phát hiện ra mình nhầm lẫn thì đã lỡ đăng ký mất rồi và không có còn cơ hội để chỉnh lại vì quy chế chỉ được phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng một lần”, ông Hà cho biết.
Tương tự, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng cho biết nhiều thí sinh chưa hiểu cách thức xét tuyển năm nay nên vẫn đến trường để điều chỉnh nguyện vọng. Phía nhà trường phải hướng dẫn các em về điều chỉnh trực tuyến hoặc đến nơi nộp hồ sơ đăng ký điều chỉnh.
Ông Lý cũng chia sẻ về một trường hợp thí sinh ở miền Trung có điểm thi khá cao hơn 20 điểm nhưng lại thao thác nhầm vào ô nguyện vọng 1 vào hệ liên kết hợp tác quốc tế của trường. “Chương trình liên kết quốc tế mức điểm thấp hơn nhưng học phí cao trong khi điểm số của em thí sinh này có khả năng trúng tuyển vào hệ đại trà. Điều đáng tiếc cho thí sinh này ở chỗ vì em ở gia đình khó khăn do ảnh hưởng bão lụt vừa qua. Nguyện vọng 2,3 của thí sinh này đăng ký vào 2 ngành hệ đại trà của trường cũng có khả năng trúng tuyển. Khi điều chỉnh xong thì thí sinh phát hiện nên báo về trường. Tuy nhiên theo quy chế của Bộ GD-ĐT thì không còn cơ hội điều chỉnh”, ông Lý nói.
Một chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ở một trường đại học thành viên ĐHQG TPHCM cũng kể rằng “Chỉ trong vòng 6 ngày điều chỉnh nguyện vọng, hàng loạt thí sinh bị sai sót một cách tức tưởi gọi đến “cầu cứu”. Có thí sinh đang điều chỉnh trực tuyến, mới điền xong nguyện vọng 1 thì mạng chập chờn, chờ mãi không được nên thí sinh bấm F5 đăng ký lại. Tuy nhiên sau khi phần mềm hiển thị lại thì cũng thông báo cho biết việc điều chỉnh đã hoàn tất.
Trước đó thí sinh này đăng ký 3 nguyện vọng thay vì sử dụng quyền điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội đậu thì lần điều chỉnh này lại khiến thí sinh này mất luôn 2 nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Em ấy nức nở gọi đến nhờ hướng dẫn xử lý nhưng chúng tôi cũng bó tay, chỉ biết cho số đường dây nóng của Bộ GD-ĐT để cầu cứu”.
Lưu ý thí sinh trước ngày cuối được điều chỉnh nguyện vọng
PGS.TS Nguyễn Minh Hà lưu ý thí sinh khi điều chỉnh nhất là ở giai đoạn cuối này khi đăng ký trực tuyến hay đăng ký trên giấy đều nên kiểm tra thật kỹ tổ hợp môn nào có điểm cao nhất thì đăng ký. Kiểm tra cẩn thận mã ngành, mã trường đặc biệt là tổ hợp môn. Mỗi tổ hợp môn mức điểm sẽ khác nhau, nếu không chú ý chọn đúng tổ hợp điểm thấp thì thí sinh bị ảnh hưởng đến kết quả.
Nhiều thí sinh thao tác sai rất hoang mang nên liên hệ với nhà trường, tuy nhiên nhà trường cũng đành chịu vì mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh cứ tưởng cách tuyển sinh giống năm ngoái được thay đổi nhiều lần. Nhiều em vội vàng thay đổi nên mất cơ hội vào ngành mình mong muốn.
Ths Nguyễn Hải Trường An, Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh trường ĐH Kinh tế Luật TPHCM cũng nhắn nhủ thí sinh thêm: “Năm nay với cách thức tuyển sinh mới này, thí sinh sẽ không lo việc rớt đại học nhưng vấn đề là các em phải tìm hiểu kỹ thông tin về ngành, trường. Những ngày vừa qua nhiều thí sinh vẫn rất hoang mang và nhầm lẫn với năm trước về nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2; đợt 1 hay đợt bổ sung.
Thí sinh hay nhầm tưởng ngành nào dễ trúng tuyển nhất mà quên mất một điều mình có thích và phù hợp với ngành đó hay không. Không tranh thủ lợi thế đăng ký nhiều nguyện vọng để đăng ký nhiều ngành mà chỉ chọn 1,2 nguyện vọng. Do đó, Ths Trường An lưu ý các thí sinh phải suy nghĩ thật kỹ khi điều chỉnh nguyện vọng, nếu còn đang lưỡng lự thì nên chọn những nhóm ngành liền kề với nhau mà có khả năng đậu”.
Lê Phương báo Dantri