Đề thi-Điểm chuẩn

Xét tuyển đại học: Điểm sàn đại học năm 2016

Xét tuyển đại học: Điểm sàn đại học là 15 cho tất cả khối

Với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 15 điểm, khoảng 180.000 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi dưới mức này đã bị trượt đại học.  

Sáng 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các trường đại học (điểm sàn) là 15 cho tất cả khối thi. Điểm sàn là căn cứ để các đại học đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Khác với năm ngoái, năm nay tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT có thể xét tuyển vào cao đẳng mà không cần ngưỡng xét tuyển đầu vào. Thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1 đến 12/8.

 Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, Hội đồng điểm sàn gồm 27 thành viên đã thảo luận kỹ, tư vấn cho Bộ trưởng để đưa ra mức điểm sàn năm nay. Có 3 phương án đưa ra để hội đồng cân nhắc là 15,5; 15 và 14,5 điểm. Có thêm ý kiến đưa ra là điểm sàn các khối A, B, C là 15, còn khối D là 14 vì tiếng Anh năm nay có phổ điểm thấp.

“Cuối cùng, hội đồng thống nhất chọn mức 15 điểm cho tất cả khối thi truyền thống lẫn khối thi do các trường đưa vào. Mức điểm này dựa trên 3 yếu tố là đảm bảo chất lượng trên cơ sở xem xét điểm trung bình giữa các khối thi; chỉ tiêu của các trường đại học và phương thức xác định tổ hợp xét tuyển", ông Ga nói.

Theo Thứ trưởng Ga, mức điểm sàn này đảm bảo trung bình mỗi môn thi phải được 5 điểm và đủ nguồn tuyển cho các trường. Với kết quả thi năm nay, phổ điểm khối A đẹp nên nguồn tuyển sẽ rất dồi dào.

"Chỉ tiêu bây giờ do các trường tự xác định theo thông tư 57 và 32. Đó là năng lực đào tạo tối đa của các trường. Do đó, tuyển đủ chỉ tiêu hay không đủ chỉ tiêu giờ không còn quan trọng. Hơn nữa, các trường còn được chủ động phương thức xét tuyển. Theo đăng ký thì có tới 102.000 chỉ tiêu xét học bạ với hơn 100 trường tuyển sinh theo hình thức này, chỉ còn 320.000 chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Vì vậy, Bộ Giáo dục nhắc các trường thực hiện nghiêm chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký, có thể tuyển thấp hơn hoặc bằng chứ không được vượt. “Trường nào vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý”, ông Ga nói.

Chiều nay, Bộ sẽ mở cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến để cho thí tập dượt trước khi chính thức đăng ký xét tuyển đợt 1 vào ngày 1/8.

Đồ họa Tiến Thành - Hoàng Thùy

Theo thống kê, thí sinh ở cụm đại học, trừ các khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15. Các khối thi còn lại gồm A, A1 và B đều có điểm trung bình trên 15.

Các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, phổ điểm cao hơn năm ngoái. Số thí sinh đạt điểm cao và trung bình cũng nhiều hơn. Riêng môn tiếng Anh điểm thấp nhiều, điểm trung bình khối D thấp hơn năm ngoái.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay gần 887.400. Số thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là hơn 286.100, số thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng gần 519.500. Số chỉ để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (thí sinh tự do) là 81.770.

Như vậy, với khoảng 420.000 chỉ tiêu vào đại học thì hơn 181.000 thí sinh đã trượt đại học, phải tìm cơ hội ở các trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp...

Năm 2015 - năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, điểm sàn đại học cho tất cả khối là 15 và cao đẳng là 12.

Năm 2014, ngưỡng điểm tối thiểu tuyển sinh đại học cho khối A, A1, C, D là 13, khối B là 14 điểm. Điểm sàn của bậc cao đẳng thấp hơn điểm sàn bậc đại học 3 điểm, tương ứng theo từng khối.

Theo Lan Hạ - Hoàng Phương VnExpress

Tác giả: xettuyendaihoc.net.vn ; xuất bản: 29/07/2016 08:24
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....