Sau khi có điểm kỳ thi THPT quốc gia, học sinh được một lần thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào đại học (ĐH) theo hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu. Việc đăng ký trực tuyến bắt đầu từ ngày 15 đến hết 21-7; đăng ký bằng phiếu từ ngày 15 đến hết 23-7. Ghi nhận thực tế cho thấy, việc thay đổi nguyện vọng diễn ra thuận lợi, phần lớn học sinh lựa chọn hình thức đăng ký trực tuyến.
Theo thống kê của Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), tính đến ngày 20-7, có 71 học sinh đăng ký bằng phiếu, 260 học sinh đăng ký trực tuyến. Thầy giáo Nguyễn Văn Thành, cán bộ phụ trách công tác thay đổi nguyện vọng của Trường THPT Việt Đức cho biết: Khi học sinh đến trường, các em được tư vấn theo hai hướng như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu không tăng nguyện vọng, đối tượng ưu tiên có thể về nhà đăng ký trực tuyến. Học sinh không tự tin khi đăng ký trực tuyến, cán bộ phụ trách sẽ hỗ trợ.
Trong đó, những học sinh muốn tăng thêm số nguyện vọng, thay đổi diện ưu tiên, bắt buộc phải đăng ký bằng phiếu tại trường. Học sinh thay đổi nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến không phải đóng lệ phí, nhưng tăng số nguyện vọng, phải đóng lệ phí là 30 nghìn đồng/nguyện vọng. Trong đợt thay đổi nguyện vọng, học sinh có số nguyện vọng đăng ký nhiều nhất tại Trường THPT Việt Đức là 16, bình quân tăng từ hai đến bốn nguyện vọng.
Do điểm thi các môn xét tuyển không tốt (21 điểm), tại điểm thay đổi nguyện vọng Trường THPT Việt Đức, em Nguyễn Quang Huy sau khi điều chỉnh nguyện vọng cho chúng tôi biết: “Trước em đăng ký tám nguyện vọng, sau khi được cán bộ phụ trách tư vấn, em đăng ký thêm sáu nguyện vọng với mong muốn có cơ hội vào ĐH cao hơn”.
Trong khi đó, mặc dù không tăng thêm số nguyện vọng (có thể ở nhà đăng ký trực tuyến) nhưng học sinh Đinh Hồng Ngọc vẫn đến Trường THPT Việt Đức thay đổi nguyện vọng bằng phiếu. Ngọc cho biết, trước đó đã đăng ký sáu nguyện vọng nhưng với điểm thi thực tế (23,5 điểm) em đổi hết các nguyện vọng nói trên về Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Tại Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong những ngày tổ chức thay đổi nguyện vọng có khá đông học sinh đến nghe tư vấn, thay đổi. Có điểm thi khối A đạt 23,5 điểm, nhưng qua theo dõi điểm thi khối A năm nay khá cao nên trong lần điều chỉnh này, bên cạnh việc đăng ký thêm hai nguyện vọng em Đặng Ngọc Thanh (Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) đã chuyển nguyện vọng một từ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội sang Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội).
Theo ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD và ĐT Hà Nội), kết thúc đợt thay đổi nguyện vọng, Hà Nội có 33.718 học sinh thay đổi nguyện vọng, trong đó, 4.243 em thay đổi bằng phiếu.
Kết thúc đợt đăng ký, có một học sinh Trường THPT Tùng Thiện, có bố là thương binh (81%) nhưng quên bổ sung thông tin ưu tiên, đã đề nghị được bổ sung. Từ 17 giờ, ngày 23-7 đến nay, Sở không tiếp nhận cuộc gọi nào của học sinh đề nghị hỗ trợ thay đổi nguyện vọng. Theo báo cáo của các trường THPT, tất cả các điểm đã tiếp nhận xong thông tin của học sinh trong việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào ĐH theo hình thức trực tiếp hoặc bằng phiếu; không xảy ra hiện tượng dồn ứ phiếu, việc đăng ký diễn ra thuận lợi…
Trong khi đó, PGS, TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT), cho biết: Năm nay, việc Bộ GD và ĐT cho phép học sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH cùng thời điểm đăng ký dự thi THPT quốc gia đã tạo nhiều thuận lợi cho học sinh và các trường.
Sau khi học sinh có điểm thi, các em được một lần thay đổi nguyện vọng xét tuyển với thủ tục đơn giản nên các em không mất quá nhiều thời gian, không xảy ra tình trạng quá tải, đã giảm áp lực đáng kể đối với học sinh và các trường. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về việc đăng ký thay đổi nguyện vọng của học sinh, nhưng qua nắm bắt tình hình trong những ngày đầu, phần lớn học sinh lựa chọn hình thức đăng ký trực tuyến.
Nguồn: QUÝ TÙNG báo Nhân dân