HD làm hồ sơ

Phó thủ tướng: 'Tách biệt thi và tuyển sinh từ 2016'

Lắng nghe tất cả góp ý của lãnh đạo các trường đại học về kỳ thi THPT quốc gia 2015

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục cần tiếp thu, quan điểm là tách rời thi và tuyển sinh, giao tuyển sinh về cho các trường. Tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và nhiệm vụ năm học 2015-2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 22/10, việc xét tuyển đại học, cao đẳng lại được xới lên. TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học FPT cho rằng, Việt Nam là số ít quốc gia mỗi năm đến kỳ thi tuyển sinh lại gây sốt, thành vấn đề thời sự, có nghĩa là thi cử đang rất nặng nề.

Ông Minh đề xuất, không cần thiết mỗi năm có một kỳ thi quốc gia chung mà có thể thi một lần vào tháng 6, sau vài tháng thi thêm các môn nhằm giảm áp lực cho học sinh. Việc nhập học của sinh viên cũng có thể mở rộng trong cả năm vì đa số trường hiện nay đã đào tạo theo tín chỉ.

"Ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp phổ thông học sinh có một năm tham gia các hoạt động xã hội để biết rõ mình thích gì, còn ở Việt Nam thì học sinh hì hục thi rồi hì hục vào đại học. Các em phải liên tục thi bởi dừng một năm thì năm sau thi sẽ gặp nhiều khó khăn", Hiệu trưởng Đại học FPT nói.

Đại diện cho các trường miền núi khó khăn, Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc Nguyễn Văn Bao nêu ý kiến, rút kinh nghiệm từ những lộn xộn trong đợt tuyển sinh vừa qua, từ năm 2016 Bộ Giáo dục hãy để thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 trước khi thi. Sau khi có kết quả, nếu đỗ thì chuyển hồ sơ của các em về trường, còn không đạt thì chuyển sang nguyện vọng ở trường khác.

"Cứ nghĩ rằng đây là phương pháp cũ nhưng nó vẫn tốt trong xét tuyển. Thí sinh lựa chọn trường mà mình có nguyện vọng theo học, và các trường không phải mất 20 ngày xét tuyển mệt mỏi kéo dài", ông Bao nhận xét.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đình Nam

PGS Lê Hải An, Hiệu trưởng Đại học Mỏ Địa chất, đề xuất Bộ Giáo dục làm tốt hơn phần mềm tuyển sinh để hỗ trợ tối đa cho các trường. "Năm nay có khoảng 40.000 thí sinh thay đổi nguyện vọng, trong đó 25% thực hiện ở địa phương và 75% trực tiếp tại các đại học. Khi có một tập đoàn viễn thông lớn thiết kế phần mềm cho Bộ thì tại sao các em không thể thay đổi nguyện vọng thông qua tin nhắn điện thoại? Như vậy các em ở vùng xa có thể thay đổi nguyện vọng đơn giản, dễ dàng hơn", ông An nói.

PGS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục nên tổ chức một buổi tổng kết chuyên sâu trước khi quyết định những thay đổi cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Đề thi trong năm tới nên đổi mới theo hướng tích hợp, điều chỉnh ở cấu trúc đề thi phục vụ thi đa mục đích và chủ động cho các trường đại học, cao đẳng.

Đồng tình với hiệu trưởng Đại học FPT Đàm Quang Minh rằng lẽ ra việc thi và tuyển sinh không nên bàn nhiều nhưng năm nào cũng nóng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo ngành Giáo dục cần khẳng định với nhân dân kỳ thi năm tới sẽ kế thừa những ưu điểm và khắc phục những hạn chế, đảm bảo trung thực, nhẹ nhàng cho nhân dân.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục cần có cuộc họp riêng để bàn chi tiết, cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không nên ấn định điều gì vội vàng, kể cả ngày thi. Phải làm sao để tách rời thi riêng, tuyển sinh riêng, giao tuyển sinh về cho các trường đại học. Bộ Giáo dục chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết, đảm bảo công bằng cho học sinh, tôn trọng quyền tự chủ của các trường.

"Đào tạo mục đích cuối cùng là đảm bảo chất lượng, làm sao chúng ta có thật nhiều thầy mà thầy đúng là thầy, thật nhiều thợ mà thợ đúng là thợ, như vậy mới có thể phát triển đất nước", Phó thủ tướng khẳng định.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví von, mỗi người đứng đầu các trường đại học, các Sở Giáo dục đều là các tướng lĩnh, có vai trò quan trọng trong "trận đánh lớn" đổi mới giáo dục. Năm học vừa qua đã khẳng định ngành giáo dục chuyển hướng thành công, chuyển từ tư duy cũ, hành động cũ sang mục tiêu mới bằng cách thức tiếp cận mới.

"Trong vô vàn hạn chế yếu kém bất cập của ngành thì không thể 1-2 năm mà khắc phục được. Hạn chế yếu kém của ngành còn nhiều, nếu giáo dục là việc làm trăm năm thì khắc phục những hạn chế ấy cũng mất nhiều thời gian. Và thời gian dài bao nhiêu tuỳ thuộc vào sự thông minh, dũng cảm, đoàn kết, một lòng của toàn ngành, của thầy cô, học sinh sinh viên, và xã hội", Bộ trưởng Luận nói.

Năm 2015, Bộ Giáo dục thực hiện 4 đợt xét tuyển. Trong đó đợt 1 kéo dài 20 ngày Bộ cho phép thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển cùng lúc 4 nguyện vọng và được phép rút hồ sơ nếu thấy cơ hội đỗ không cao. Cứ 3 ngày một lần các trường phải công khai danh sách thí sinh đăng ký. Hệ quả là vào những ngày cuối cùng của đợt 1, tại nhiều trường tốp trên đã xảy ra hỗn loạn, thí sinh chen lấn để nộp - rút hồ sơ.

Hoàng Thuỳ vnexpress.net

Tác giả: xettuyendaihoc.net.vn ; xuất bản: 23/10/2015 06:10
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét

Thông tin tuyển sinh 2020, Tư vấn tuyển sinh, tư vấn giáo dục, tuyển sinh Y sỹ, Y học cổ truyền , Dược sỹ năm 2020; tuyển sinh Cao đẳng, Đại học chính quy năm 2020; tuyển sinh liên thông ngành Sư phạm Mầm non năm 2020, tuyển sinh liên thông TC, CĐ lên ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội ....