Ngoài giấy tờ cá nhân và thuốc, các du học sinh Việt Nam tại Pháp gợi ý có thể mang nồi cơm điện, gói gia vị, kính mắt dự phòng và quà tặng truyền thống của Việt Nam.
Hàng năm, Pháp có hai kỳ nhập học là tháng 9 và tháng 2. Sau khi được cấp visa, các du học sinh sẽ chuẩn bị hành trang lên đường nhưng phần lớn băn khoăn nên mang gì theo. Theo chia sẻ của các du học sinh Việt Nam tại Diễn đàn Du học Pháp do Campus France Vietnam, bộ phận chuyên trách du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, phối hợp Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) tổ chức hôm 28/7, đồ dùng mang theo tùy thuộc vào sự cần thiết của mỗi người và không có gì là bắt buộc.
Dương Thị Mai Lan, Tổng thư ký UEVF, cho biết, ngoài những giấy tờ cá nhân cần thiết, em không quên mang theo nồi cơm điện trong hành lý đến Pháp năm 2015. Mai Lan tốt nghiệp ngành Kỹ sư môi trường, Đại học ENSIACET Toulouse, thành phố Toulouse, và hiện là kỹ sư thạc sĩ môi trường của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp. 7 năm sinh sống và làm việc tại đây nhưng cô gái quê Vũng Tàu vẫn luôn gắn bó với nồi cơm điện.
Mai Lan (bìa trái) và Bá Dương (thứ ba từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm
du học tại Diễn đàn Du học Pháp tại Hà Nội ngày 28/7.
Cựu sinh viên cho hay người Pháp chủ yếu ăn bánh mì, các loại mì; cũng ăn cơm nhưng cách nấu khác Việt Nam. Trong khi đó, người Việt có thói quen ăn cơm hàng ngày nên thời gian đầu mới sang, nồi cơm điện giúp em có những bữa ăn đúng vị quê nhà. Mai Lan có thể mua được nồi ở Pháp nhưng thấy khó dùng và cảm giác nấu không ngon bằng nồi mang từ nhà. Các siêu thị bán cơm nhập khẩu từ Ấn Độ, song Mai Lan chỉ quen ăn cơm nấu bằng nồi cơm điện.
Nồi cơm điện cũng là đồ vật không thể thiếu của Mai Bá Dương khi du học tại Đại học Lille, thành phố Lille, năm 2019. Cựu sinh viên Đại học Xây dựng cho hay, mua nồi cơm điện ở Lille khi đó khó hơn ở Paris.
Dương cho hay, một số thành phố nhỏ có thể khó kiếm nhưng các thành phố lớn ở Pháp hiện có đủ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nên các bạn không nhất thiết mang nồi hay gạo nếu hành lý đã đủ cân. Các loại gạo của Việt Nam cũng được bán tại siêu thị và nên mua số lượng nhiều, 10-20 kg, một lần để được giá tốt.
Dương quen ăn đồ mẹ nấu nên khi đi học xa nhà, em mang theo món mẹ làm. Ngày Dương sang Pháp, bố mẹ chuẩn bị cho em 2-3 kg ruốc và vài gói mì. Hai món này đã giúp em chống đói những ngày đầu khi chưa thể đi chợ hay nấu cơm.
Để nấu được những món ăn quen thuộc, các du học sinh gợi ý chuẩn bị gói gia vị sẵn như thịt kho, cá kho, canh chua, gói gia vị ướp lẩu hoặc tương ớt, bột canh, hạt nêm... Khi đã dần quen với cuộc sống mới, các bạn có thể đi chợ mua đồ và nấu với gói gia vị mang theo.
Bên cạnh đồ ăn, du học sinh được khuyên sắp sẵn một số loại thuốc thông thường như thuốc đau đầu, cảm cúm, hạ sốt, đau bụng, dị ứng hay urgo trong hành lý. Những bạn có bệnh nền đặc biệt lưu ý mang thuốc của mình. Ở Pháp, với những thuốc đặc trị như thuốc dạ dày, tiêu hóa, bạn cần được bác sĩ kê đơn mới mua được.
"Các bạn mang nhiều một chút vì mới sang chưa quen khí hậu, đặc biệt mùa đông. Bạn có bệnh nền có thể cầm theo đơn thuốc của bác sĩ có bản dịch để dễ mua thuốc hơn", Mai Lan lưu ý thêm.
Với những bạn đeo kính, mang theo đơn cắt kính hoặc 1-2 cặp kính dự phòng là cần thiết. Trong trường hợp phải thay sẽ có sẵn, không mất công và tốn thời gian chờ đợi làm thủ tục mua. Ngoài ra, du học sinh cũng cần có các đồ dùng như dao cạo, sản phẩm vệ sinh răng miệng (với những bạn niềng răng) và ổ cắm đa năng do ổ cắm tại Pháp thiết kế khá đặc biệt.
Không chỉ những đồ dùng thiết yếu, khi ra nước ngoài du học, du học sinh được khuyên chuẩn bị một vài món quà tặng vì mua đồ truyền thống của Việt Nam ở Pháp khó và đắt. Món quà giúp các bạn làm quen với bạn mới, là lời chào với các thầy cô hay thể hiện sự nhiệt thành với chủ nhà. Sau quá trình học hay làm việc, món quà nhỏ như một lời cảm ơn, thể hiện tình cảm và gây ấn tượng tốt về sinh viên Việt Nam.
"Lần đó, em cũng có chút quà quê hương tặng ông bà chủ nhà. Họ rất nhiệt tình, ra đón em tận ga tàu và vui khi nhận được quà từ Việt Nam", Dương kể.
Để không chuẩn bị thiếu đồ, Dương khuyên các bạn nên vào diễn đàn, hội sinh viên Việt Nam tại thành phố mình tới học tham khảo và xin lời khuyên từ các anh chị đi trước.
Nguồn: Bình Minh https://vnexpress.net/