Hiện nay, rất nhiều học sinh không lựa con đường đại học, cao đẳng mà thay vào đó là học nghề hoặc đi làm công nhân. Đơn cử như tại Hòa Bình có trường chỉ có 10% các em lựa chọn thi đại học. Tại Hà Nội, năm nay con số các em không thi lên tới 16.000 người.
Báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn với các chuyên gia giáo dục: Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang, Tiến sĩ Vũ Thu Hương; các chuyên gia kinh tế: Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Đăng Doanh về vấn đề này.
Dưới góc độ giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, chúng ta nên nhìn nhận việc này theo hướng 2 mặt của một vấn đề, tích cực và không tích cực.
Các chuyên gia giáo dục, kinh tế trả lời báo Người Đưa Tin.
Cụ thể về mặt tích cực, thầy Tùng Lâm cho rằng: “Việc các em và gia đình đang nhận thức được rằng việc học đại học, cao đẳng không phải là con đường duy nhất để có được thành công là 1 điều rất tốt.
Mỗi người dựa vào khả năng của mình, định hướng phát triển của gia đình để lựa chọn 1 con đường đi đúng đắn và tích cực nhất. Đất nước sẽ giảm được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, nền kinh tế chúng ta sẽ cân bằng hơn”.
Về mặt tiêu cực, Thầy Tùng Lâm cho rằng: “Các em không chọn thi đại học, cao đẳng 1 phần vì các em nhìn thấy rằng các anh chị thế hệ đi trước sau khi ra trường không xin được việc.
Đó là hệ quả của việc dạy học thiên về lý thuyết ở các giảng đường, việc đào tạo tràn lan mà không có định hướng cụ thể cho sinh viên, dẫn tới tình trạng nhiều người sau khi ra trường không xin được việc. Phải chăng niềm tin vào nền giáo dục đang thiếu?”.
Tiến sĩ Tùng Lâm.
Trước những lo ngại về việc nhiều em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn ngay 1 công ty, doanh nghiệp nào đó để làm công nhân liệu có quá sớm và hụt hẫng, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói: “Tôi hoàn toàn không đồng ý về quan điểm này. Làm việc ở môi trường nào cũng vậy, dù là giáo viên, bác sĩ, nhà báo hay công nhân thì việc đến với thành công là phải do cố gắng của bản thân.
Mỗi môi trường làm việc sẽ phù hợp với từng người, nếu các em cố gắng cống hiến thì chắc chắn sẽ có được thành công”.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang – Phó Hiệu trưởng thường trực trường CĐ Thương Mại và Công Nghệ Hà Nội cho rằng: “Tôi nghĩ nhiều học sinh không đăng ký thi đại học là dấu hiệu tốt vì học sinh và gia đình cũng đã nhận thức được rằng vào đại học không phải tất cả. Quan trọng là có một công việc phù hợp với điều kiện và năng lực của các em.
Hơn nữa, ngày càng nhiều cơ hội cho học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp cấp 3. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói gần đây: "Công nhân bậc 7 (bậc cao) giá trị hơn nhiều cử nhân, thạc sĩ kém chất lượng". Thực tế chúng ta vẫn đang bị thiếu thợ lành nghề và thừa cử nhân, thạc sĩ”.
Ông nói thêm: “Tình trạng liên thông ngược xảy ra do không tìm được việc làm là đáng báo động (cử nhân, thạc sĩ đi học trung cấp), rồi giấu bằng đại học đi làm công nhân. Có nên đầu tư một vài trăm triệu để học đại học, lấy một tấm bằng không xin được việc hay học nghề để có việc làm ngay, đang là sự lựa chọn của nhiều học sinh và gia đình.
Phần lớn, các em vẫn ở nông thôn nên tình trạng nhiều bậc cha mẹ bất chấp mọi giá cho con học đại học rồi ra trường không xin được việc sẽ trở thành gánh nặng. Tôi nghĩ đây là tín hiệu tốt trong tuyên truyền, định hướng.
Không nhất thiết cứ phải vào đại học mà mấu chốt là có nghề, có việc làm, có thu nhập giúp bản thân, gia đình và xã hội. Sự học là liên tục và học sinh học nghề vẫn có thể tiếp tục học lên ở cấp cao hơn khi có điều kiện.
Rất sai lầm khi các cơ quan mọi vị trí công tác đều phổ cập đại học từ văn thư, thủ quỹ... trong khi không nhất thiết cần trình độ đó".
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho rằng: “Có thể nói tôi thấy rất mừng, bởi vì cái tình trạng khủng hoảng thừa bằng đại học ở Việt Nam đã quá trầm trọng.
Bằng đại học ở chúng ta không còn giá trị gì nữa khi mà việc học đại học quá dễ dàng. Tôi vẫn ám ảnh bởi những câu nói đùa của các bạn trẻ hiện nay: “Nếu mà muốn thủ khoa thì vào trường top dưới”.
Trong xã hội, nguyên tắc để vận hành là thầy phải ít hơn thợ. Thợ tức là những người làm việc tay chân phải nhiều hơn mới mang lại cho 1 xã hội ổn định và phát triển. Bởi vì người nghĩ ra việc để làm cần ít thôi, nhưng người tinh xảo, đưa những ý tưởng, thiết kế thành sản phẩm thì cần nhiều hơn.”
Tiến sĩ Vũ Thu Hương. Ảnh VTC.
“Đây là một tin vui cho xã hội nhưng đối với các trường lại là tin buồn, bởi lẽ việc tuyển sinh chắc chắn khó khăn hơn. Rất mong rằng các bạn trẻ chọn được những ngành nghề phù hợp, không chạy theo tham vọng viển vông, có được nghề nghiệp ổn định quan trọng hơn rất nhiều”.
Xét dưới góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Cái này là một xu hướng cần khuyến khích, không chỉ nền kinh tế Việt Nam có lợi mà còn cho chính bản thân người lựa chọn. Thực tế hiện nay, tình trạng học đại học xong không xin được việc mà phải làm công nhân khá nhiều, nên các em chọn như vậy là đúng.
Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chủ trương đó rồi. Thậm chí có nhiều hướng tốt hơn học đại học, ví dụ như học điều dưỡng xong sang Nhật, lương 3 nghìn đô mà chỉ học mất 1,2 năm”.
Ông Phong cũng chỉ ra hàng loạt lợi ích của việc này: “Nó tiết kiệm thời gian học, thời gian dạy, chi phí cơ sở vật chất, giáo dục, đồng thời bớt đi chi phí về an sinh xã hội, tìm việc làm về sau”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. (Ảnh Giáo dục VN)
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Tôi hoan nghênh quyết định của các em lựa chọn việc học nghề, làm công nhân, rồi sau đó các em vừa làm vừa học, sẽ tiếp tục học nữa học mãi.
Trong thời gian qua, việc học đại học không đem lại kết quả như chúng ta mong muốn. Số sinh viên đại học không có nghề nghiệp quá lớn. Phản ứng của các em rất đáng mừng khi thực tế hơn và có ý chí hơn. Tôi nghĩ đây là xu hướng thiết thực, hy vọng sẽ giúp cho đất nước và bản thân các em trong tình hình kinh tế hiện nay”.
Công Luân báo nguoiduatin